Hà Nội: Chỉ số giá tiêu dùng 8 tháng tăng 5,24%

Địa phương
08:40 AM 04/09/2024

Tháng 8/2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của thành phố Hà Nội tăng 0,07% so với tháng 7 và tăng 4,44% so với cùng kỳ năm 2023. Tính bình quân 8 tháng năm 2024, CPI của Hà Nội tăng 5,24% so với bình quân cùng kỳ năm 2023.

Theo Cục thống kế thành phố Hà Nội, trong tháng 8/2024, có 8/11 nhóm hàng CPI tăng so với tháng 7. Trong đó các nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,50%, nguyên nhân là do đầu năm học mới, nhu cầu thuê nhà của sinh viên các trường đại học tăng, nên giá tiền thuê nhà tăng và một số vật liệu xây dựng chính dùng để bảo dưỡng nhà ở cũng tăng theo.

Nhóm hàng ăn, dịch vụ ăn uống tăng 0,43% (tác động làm tăng CPI chung 0,13%) do giá thực phẩm tăng 0,62%; giá lương thực tăng 0,18%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,04%. Nhóm giáo dục tăng 0,23% (tác động làm tăng CPI chung 0,02%). Các nhóm còn lại CPI tăng nhẹ: Đồ uống và thuốc lá tăng 0,06%; văn hóa, giải trí, du lịch và một số hàng hóa dịch vụ khác tăng 0,05%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,03%. 

Hà Nội: Chỉ số giá tiêu dùng 8 tháng tăng 5,24%- Ảnh 1.

Chỉ số giá tiêu dùng của Hà Nội 8 tháng năm 2024 tăng 5,24% (ảnh minh họa)

Ở chiều ngược lại, có 2/11 nhóm hàng CPI giảm so với tháng 7/2024, gồm nhóm ngành giao thông và nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình. Cụ thể, nhóm giao thông giảm 1,96% (tác động làm giảm CPI chung 0,19%) do bình quân trong tháng giá xăng giảm 5,61% so với tháng trước. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm nhẹ 0,04%. Riêng bưu chính viễn thông tương đương tháng trước.

Bình quân 8 tháng năm 2024, CPI tăng 5,24% so với bình quân cùng kỳ năm trước, trong đó 10/11 nhóm hàng CPI bình quân tăng: Nhóm giáo dục tăng 29,33% (tác động làm CPI bình quân chung 8 tháng năm nay tăng 2,32%) do 3 tháng đầu năm 2024 các trường công lập trên địa bàn Hà Nội áp dụng mức thu học phí theo Nghị quyết 03/2023/NQ-HĐND ngày 04/7/2023 của HĐND Thành phố, đồng thời một số trường dân lập, tư thục cũng áp dụng mức tăng thu học phí trong năm học 2023-2024. 

Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 6,23% (tác động làm CPI tăng 1,27%) do bình quân 8 tháng năm 2024 sản lượng tiêu thụ điện tăng dẫn đến giá điện bình quân tăng 8,73% so với bình quân cùng kỳ; giá nước tăng 33,11%; giá nhà thuê tăng 8,68%. Thuốc và dịch vụ y tế tăng 4,52% (tác động làm CPI tăng 0,23%); Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,23% (tác động làm CPI tăng 1,0%) do 8 tháng năm nay giá lương thực tăng 11,61% (trong đó giá gạo tăng 15,73%); thực phẩm tăng 2,34%; ăn uống ngoài gia đình tăng 2,53%. 

Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,53% (tác động làm CPI tăng 0,05%); giao thông tăng 2,34% (tác động làm CPI tăng 0,23%); may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,87% (tác động làm CPI tăng 0,11%); văn hóa, giải trí, du lịch tăng 0,93% (tác động làm CPI tăng 0,04%); thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,14% (tác động làm CPI tăng 0,01%); hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,85% (tác động làm CPI tăng 0,24%) chủ yếu do giá đồ trang sức tăng 28,62% và dịch vụ bảo hiểm y tế tăng 23,05%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông trong 8 tháng năm 2024 giảm 1,32 (tác động làm CPI giảm 0,04%).

Chỉ số giá vàng tháng Tám tăng 1,54% so với tháng trước, tăng 25,04% so với tháng 12/2023 và tăng 36,8% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 28,73% so với bình quân cùng kỳ năm 2023.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng Tám giảm 0,53% so với tháng trước, tăng 3,7% so với tháng 12/2023 và tăng 5,95% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng năm 2024, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 5,75% so với bình quân cùng kỳ năm 2023.

Huyền My
Ý kiến của bạn