Hà Nội chính thức tăng giá nước sạch
UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố theo 2 giai đoạn, từ 1/7 đến 31/12/2023 và từ 1/1/2024 đến 31/12/2024.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải vừa ban hành Quyết định số 3541 phê duyệt phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Các mức điều chỉnh cụ thể như sau:
Hộ gia đình sử dụng mỗi tháng trên 10 đến 20m3, giá nước 6 tháng cuối năm sẽ tăng từ 7.052 lên 8.800 đồng/m3 và lên 9.900 đồng/m3 vào năm 2024; sử dụng trên 20 đến 30m3, giá tăng từ 8.669 lên 12.000 đồng và lên 16.000 đồng/m3 vào năm 2024.
Mức giá cao nhất với nước sinh hoạt sẽ là 27.000 đồng/m3 khi sử dụng trên 30m3 một hộ mỗi tháng vào năm 2024.
Với khối cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và phục vụ mục đích công cộng, giá nước sạch trong 6 tháng cuối năm là 12.000 đồng/m3 và năm 2024 là 13.500 đồng/m3. Với cơ sở sản xuất, giá nước 15.000 đồng/m3 trong sáu tháng cuối năm 2023 và tăng lên 16.000 đồng/m3 năm 2024.
Giá nước cho hoạt động kinh doanh dịch vụ cao nhất - 27.000 đồng/m3 trong sáu tháng cuối năm và tăng lên 29.000 đồng/m2 năm 2024.
Như vậy, với phương án điều chỉnh trên, những hộ dân sử dụng trên 30m3/tháng sẽ phải trả thêm 11.071 đồng/m3.
Theo tính toán của liên ngành TP Hà Nội, nhu cầu dùng nước thực tế ở nội thành dao động 100-150 lít/ngày/người. Với mức tăng như trên, mỗi hộ sẽ dùng 10-16 m3/tháng, tương đương số tiền phải chi thêm là 15.000-26.000 đồng. Tại nông thôn, mức dùng 50-70 lít/ngày/người, mỗi hộ trung bình sử dụng 6-8 m3/tháng nên số tiền chi thêm là 10.000-13.000 đồng.
Sở Tài chính chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp lý, hợp lệ của các thông tin, số liệu và kết quả tính toán trong phương án giá theo quy định; chủ trì, phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Xây dựng có văn bản hướng dẫn về đối tượng sử dụng nước đảm bảo theo đúng quy định.
Các Sở: Tài chính, Xây dựng, Cục Thuế thành phố và các sở, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt áp dụng trên địa bàn thành phố theo quy định.
Sở Y tế xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch theo quy định tại Thông tư số 41/2018/TT-BYT ngày 14/12/2018 và Thông tư số 26/2021/TT-BYT ngày 15/12/2021 của Bộ Y tế ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt và pháp luật chuyên ngành có liên quan.
Giao các đơn vị cấp nước thực hiện nghiêm túc quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều 55 Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch. Đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp nước sạch sinh hoạt đảm bảo chất lượng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt QCVN 01-1:2018/BYT.
Tổ chức thực hiện theo phương án giá nước sạch sinh hoạt được UBND thành phố phê duyệt. Hàng năm, chủ động rà soát việc thực hiện phương án giá nước sạch sinh hoạt theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 44/2021/TT-BTC ngày 18/6/2021 của Bộ Tài chính quy định về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt.
Đánh giá về phương án điều chỉnh giá nước sạch của Hà Nội, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam Nguyễn Ngọc Điệp cho rằng, nếu tính về cơ cấu chi tiêu, chi tiêu cho nước sạch chiếm rất ít so với tiền điện, điện thoại...
Với nhu cầu sử dụng thực tế hiện nay, giá nước sau khi điều chỉnh có tăng nhưng cũng rất hợp lý. Mức tiền chi tăng thêm này không quá lớn so với chi tiêu tăng thêm của gia đình.
Thương HuyềnKhi cái lạnh mùa đông tràn về, không ít du khách chọn cách “chạy trốn” rét buốt để tìm đến những miền đất ấm áp, rực rỡ ánh đèn lễ hội.