Hà Nội cho dân đi bằng phương tiện gì nếu cấm xe máy từ năm 2025?
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu TP Hà Nội cấm xe máy sẽ ảnh hưởng rất lớn tới người dân, vì xe máy vẫn là phương tiện chính để đi lại hàng ngày.
Mới đây, UBND TP Hà Nội gửi tới Hội đồng Nhân dân cùng cấp tờ trình về Chương trình mục tiêu giảm ùn tắc, đảm bảo an toàn giao thông, giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, những năm tới, thành phố tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thủ tục, để phê duyệt đề án về phân vùng, hạn chế hoạt động xe máy và tiến tới dừng hoạt động loại phương tiện này trên địa bàn các quận. Như vậy, theo tờ trình, việc cấm xe máy tại các quận dự kiến sẽ được triển khai sau năm 2025. Nghĩa là sớm hơn 5 năm, so với kế hoạch trước đó. Ngay sau khi thông tin được công bố, người dân và giới chuyên gia bày tỏ nhiều băn khoăn về tính khả thi của đề án, cũng như lo ngại sẽ "không biết đi bằng gì", nếu cấm xe máy.
Hà Nội cấm xe máy, người dân đi bằng gì?
Có ý kiến cho rằng, một chính sách ảnh hưởng nhiều đến đại bộ phận người dân nhất thiết phải được bàn bạc thảo luận kỹ và có lộ trình dài hạn phù hợp với đời sống dân sinh.
Bởi thay đổi thói quen đi xe máy, đi lại, cũng là thay đổi tập quán sinh hoạt, kinh tế kinh doanh nhỏ lẻ sẽ chuyển dần thành tập trung, nhiều ngành nghề sẽ giảm thiểu rất nhiều và bị triệt tiêu trong thời gian gần. Thay đổi để xã hội và môi trường tốt lên nhưng biến động trong thời gian ngắn đột ngột sẽ khiến nhiều gia đình khó khăn không biết đến khi nào mới vực dậy được.
Trao đổi với các cơ quan báo chí, TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng, đây là một quyết tâm rất lớn của UBND và HĐND Thành phố Hà Nội nếu như HĐND TP thông qua. “Đây là một ý tưởng thể hiện quyết tâm của Hà Nội bằng mọi giá giải quyết vấn nạn giao thông và ô nhiễm môi trường của thành phố. Tuy nhiên, để triển khai thành công một vấn đề thì giữa mong muốn với hiện thực phải có một sự tương thích nhất định thì mới giải quyết được. Tức là mong đợi đến năm 2025 có thể hạn chế hay cấm xe máy chạy vào thành phố từ vành đai 3 trở vào nhưng chúng ta đặt lại câu hỏi, đến năm 2025, thành phố có phương tiện gì cho nhân dân đi”.
TS Khương Kim Tạo nhấn mạnh, việc đi lại của con người là việc bắt buộc, là tất yếu, gắn liền với việc sinh tồn và phát triển của mỗi con người, chúng ta không thể nào hạn chế được, nó như mạch máu trong cơ thể. Với góc độ nhìn nhận như vậy, chúng ta nên đặt vấn đề thay vì đưa ra lộ trình đến năm nào để có thể cấm ô tô xe máy, thì hãy đặt điều kiện khi nào chúng ta có phương tiện giao thông công cộng thay thế được phương tiện cá nhân thì mới cấm.
“Nếu chúng ta triển khai vấn đề giao thông công cộng ngay một lúc thì cũng không thể nào giải quyết vấn đề đi lại được. Có thể nhân dân không đi, khi đó nếu tung ra lượng lớn ô tô buýt có thể gây tắc nghẽn thêm. Tôi cho rằng nên có nghiên cứu, khảo sát. Ý chí là vậy, nhưng chúng ta sẽ thực hiện như thế nào?”- ông Khương Kim Tạo đặt vấn đề.
Lo ngại người dân chuyển sang ô tô cá nhân?
Liên quan đến việc hạn chế xe máy sau năm 2025 của Hà Nội, chuyên gia giao thông, TS. Phan Lê Bình băn khoăn: “Hà Nội cấm xe máy vào nội đô sớm hơn 5 năm thì căn cứ trên những lý do gì? Cấm xe máy thì người dân phải sử dụng phương tiện khác, vậy phương tiện khác là gì, có đủ hay không? Phương tiện khác thay thế xe máy có thể là xe buýt, tàu điện, ô tô cá nhân và taxi, taxi công nghệ. Những phương tiện để thay thế xe máy có đủ điều kiện để đáp ứng không?”.
“Trong đề án Hà Nội không đề cập đến những phương tiện để thay thế xe máy. Như vậy rất khó đánh giá khả thi hay không”, TS. Bình nói và bày tỏ kỳ vọng đến năm 2025 tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội sẽ vận hành toàn tuyến, cùng với tuyến Cát Linh - Hà Đông, tuyến BRT, sẽ đảm nhận được hai trục xương sống về giao thông công cộng. Tuy nhiên, các trục khác thì chưa thấy khả thi.
“Hiện nay, chúng ta chỉ có mạng lưới xe buýt. Nên chăng nếu hạn chế xe máy chỉ có thể hạn chế trên các trục có đường sắt đô thị. Còn những khu vực khác cần cân nhắc”, TS. Bình nói và bày tỏ lo ngại cấm xe máy sẽ khiến người dân chuyển sang phương tiện ô tô cá nhân.
Bởi lẽ, không phải ai cũng có điều kiện để sử dụng ô tô cá nhân, nhưng việc cấm xe máy có thể là cú hích mạnh khiến người ta buộc phải sử dụng ô tô cá nhân. Nhất là hiện nay trên thị trường có nhiều loại xe với giá thành khá rẻ. Thu nhập của người dân cũng tăng hơn nhiều. Khả năng người dân bỏ xe máy chuyển sang ô tô cá nhân khá cao. Nếu vậy, việc giải quyết ùn tắc chưa chắc đã thực hiện được.
TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức cho rằng, xe máy về lâu dài không phải là phương thức bền vững. Tỷ lệ TNGT do xe máy dẫn đến tử vong hàng năm rất cao, gây ô nhiễm không khí, tiếng ồn và đặc biệt triệt tiêu sự phát triển của giao thông công cộng.
Nếu cứ để phương tiện xe máy phát triển như hiện nay, hàng tỷ USD đổ vào giao thông công cộng (cụ thể là đường sắt đô thị), buýt nhanh BRT cũng sẽ không phát huy tác dụng. Theo ông Tuấn, khu vực nào phát triển giao thông công cộng tốt là cấm xe máy, không nhất thiết phải từ đường Vành đai 3 trở vào. Ví dụ hiện có thể cấm xe máy ngay trên trục đường có tàu Cát Linh - Hà Đông chạy qua. Nếu Hà Nội chọn cấm xe máy trong năm 2025 từ đường Vành đai 3 trở vào, ông cho rằng từ bây giờ trở đi phải có chương trình hành động, chiến lược rõ ràng.
HM (t/h)Xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm tiếp tục lan rộng trong tháng 11 khi nhiều ngân hàng đẩy mạnh cạnh tranh, áp dụng mức lãi suất tiết kiệm hấp dẫn, đặc biệt dành cho các khoản tiền gửi dài hạn.