Hà Nội: Chủ động các nhiệm vụ để nhân dân đón Tết an toàn, lành mạnh, đầm ấm

Địa phương
09:04 AM 28/12/2023

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các sở, ngành, địa phương rà soát, chủ động các nhiệm vụ để nhân dân Thủ đô đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 thực sự an toàn, lành mạnh, đầm ấm, tiết kiệm, vui tươi và văn minh.

Sáng 27/12, Thành uỷ Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban quý VI/2023 theo hình thức trực tuyến đến các quận, huyện, thị xã về công tác chuẩn bị tổ chức chăm lo Tết: An sinh xã hội, phúc lợi xã hội, thực hiện chế độ chính sách với người có công, người có hoàn cảnh khó khăn và công tác tăng cường bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trước, trong và sau Tết.

Hà Nội: Chủ động các nhiệm vụ để nhân dân đón Tết an toàn, lành mạnh, đầm ấm- Ảnh 1.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Internet

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, Hà Nội dự kiến tặng quà cho trên 1 triệu người người với tổng kinh phí là trên 552 tỷ đồng tới các đối tượng hưởng chính sách, người có công; người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; hộ nghèo; hộ cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội; người cao tuổi; công nhân viên chức lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; nữ cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn; thăm hỏi tặng quà các tổ chức, cá nhân tiêu biểu, đơn vị thực hiện chính sách nhân dịp Tết Nguyên đán 2024.

Đối với công tác chăm lo Tết đối với người lao động và tình hình lương thưởng Tết, hỗ trợ số lượng phiếu mua hàng (voucher) tặng đoàn viên, người lao động khó khăn 7.000 phiếu, mỗi phiếu mua hàng giá trị 500.000 đồng trong Chương trình "Chợ Tết Công đoàn năm 2024" với tổng số tiền dự kiến 3,5 tỷ đồng. Tổng số tiền hỗ trợ vé xe đưa công nhân lao động Khu công nghiệp về quê đón Tết và đón quay trở lại làm việc sau Tết là 1,9 tỷ đồng. Hỗ trợ, thăm, tặng quà cho đoàn viên, người lao động dịp Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024 với số tiền là hơn 21 tỷ đồng. Dự kiến hỗ trợ 35 Mái ấm Công đoàn cho 35 gia đình đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở…

Về hàng hoá dịp Tết, quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở đã triển khai kế hoạch bình ổn giá của UBND TP Hà Nội, đến nay đã có 47 đơn vị đăng ký tham gia bình ổn thị trường trên địa bàn TP với nhóm mặt hàng thiết yếu và sẵn sàng đảm bảo giá hợp lý, đúng quy định của Nhà nước để phục vụ nhu cầu của người dân. Sở Công Thương, Sở Tài chính sẽ thực hiện tốt việc kiềm chế lạm phát, rà soát kiểm soát giá phục vụ người dân trong dịp Tết.

Bên cạnh đó, TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động, sự kiện trong dịp Tết, trong đó tổ chức 83 chợ hoa Xuân. Quyền Giám đốc Sở Công Thương TP đề xuất UBND các quận, huyện có danh sách tổ chức chợ hoa Tết xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, đảm bảo đủ hàng hoá Tết phục vụ nhu cầu người dân; phối hợp các lực lượng chức năng ở địa phương triển khai đảm bảo an ninh trật tự, tránh ùn tắc giao thông, đảm bảo vệ sinh môi trường trong thời gian chợ hoa Xuân và sau chiều 30 Tết.

Sở Công Thương đã xây dựng kế hoạch phục vụ Tết với tổng trị giá 40.900 tỷ đồng, có 12 mặt hàng thiết yếu và mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao trong dịp Tết, gắn với chương trình bình ổn giá trị thường trên địa bàn, tăng khoảng 10% so với năm 2023.

Hà Nội: Chủ động các nhiệm vụ để nhân dân đón Tết an toàn, lành mạnh, đầm ấm- Ảnh 2.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các đơn vị chuẩn bị mọi điều kiện để người dân đều có Tết. Ảnh: VGP

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đánh giá cao tinh thần chủ động, khẩn trương, quyết liệt của các cơ quan, đơn vị, địa phương của thành phố trong việc chuẩn bị phục vụ nhân dân đón Tết năm 2024. Quan điểm của Thành ủy là bảo đảm để mọi người dân đều có Tết, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để mọi người dân đều tự hào và thấy mình có sự đóng góp chung, cùng tạo ra không khí mới hào hứng, tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới, vào công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô.

Chủ tịch thành phố đặc biệt yêu cầu tăng cường đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trước, trong và sau Tết Dương lịch 2024 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Theo đó, Công an Thành phố phối hợp các sở, ban, ngành tham mưu cấp uỷ, chính quyền địa phương bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống, không để bị động bất ngờ, tạo môi trường an ninh, an toàn và bình yên để người dân Thủ đô vui xuân, đón Tết.

Chú trọng các biện pháp tuyên truyền về phòng, chống tội phạm với đa dạng hình thức, sử dụng các phương tiện truyền thông thông qua các trang mạng xã hội, tuyên truyền tại các buổi họp khu dân cư, tổ dân phố, thông tin tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh...; nội dung tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân hướng tới chủ đề "Vui Xuân an toàn, đón Tết bình an". Vận động nhân dân thực hiện nghiêm túc "đã uống rượu, bia - không lái xe", cương quyết xử lý nghiêm các vi phạm liên quan nồng độ cồn...

Chủ tịch TP. Hà Nội cũng yêu cầu các sở, ban, ngành và các địa phương cần tiếp tục rà soát, xây dựng kế hoạch phục vụ Tết của cơ quan, đơn vị mình và chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả để nhân dân Thủ đô đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 thực sự an toàn, lành mạnh, đầm ấm, tiết kiệm, vui tươi và văn minh.

Ngọc Mỹ
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.