Hà Nội chưa trình đề án thu phí ô tô vào nội đô, yêu cầu đánh giá lại
Tại kỳ họp cuối năm nay, UBND TP Hà Nội sẽ chưa trình HĐND thành phố đề án thu phí phương tiện vào nội đô do đề án cần hoàn thiện thêm.
Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có văn bản trả lời về việc xem xét, phê duyệt Đề án "Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông". Theo đó, UBND TP Hà Nội sẽ chưa trình HĐND TP đề án này tại kỳ họp cuối năm 2021, vì thu phí thời điểm hiện nay chưa phù hợp, chưa bảo đảm đầy đủ, toàn diện các điều kiện thực hiện.
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội được giao nghiên cứu làm rõ thời điểm áp dụng thu phí để đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành, tránh những vướng mắc về sau; kinh phí dự kiến đầu tư các trạm thu phí là nguồn vốn trong hay ngoài ngân sách và cơ chế tài chính khi thu, nộp phí.
Ngoài ra, Sở GTVT cũng được yêu cầu nghiên cứu kỹ phạm vi áp dụng, đề xuất thí điểm theo từng bước, trước mắt là khu vực hẹp, trên cơ sở đó tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm và mở rộng theo lộ trình; tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức chính trị xã hội, sở ngành...
Trước đó, Sở GTVT Hà Nội cho rằng "giải pháp thu phí phương tiện xe cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm hạn chế ùn tắc giao thông" là hết sức cần thiết.
Trên cơ sở các nguyên tắc và căn cứ kết cấu hạ tầng giao thông và mật độ giao thông, dự kiến phạm vi thu phí giới hạn bởi các đường: Vành đai 3 - Cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - trục Tây Thăng Long - Võ Chí Công - Cầu Nhật Tân - Đường Hoàng Sa - Đường Trường Sa - Đường Lý Sơn - Đường Nguyễn Văn Linh và khép kín vào Vành đai 3.
Với vành đai thu phí như trên, dự kiến đặt 87 trạm thu phí tại 68 vị trí. Phạm vi thu phí này có điều kiện để các xe ôtô các tỉnh, thành phố không cần thiết đi qua khu vực thu phí có điều kiện đi ra ngoài khu vực thu phí.
Sở GTVT Hà Nội cho hay: "Trên cơ sở khái toán kinh phí đầu tư và chi phí vận hành bảo trì hệ thống thu phí và lưu lượng xe thu phí (được xác định dựa số liệu thu phí của Tổng cục đường bộ và đếm lưu lượng, dự kiến số lượng không đi vào khu vực thu phí…) dự kiến mức thu phí thấp nhất đủ bù đắp chi phí đầu tư và chi phí quản lý, vận hành khoảng 50.000 đồng.
Theo nguyên tắc mức phí đủ tác động điều chỉnh hành vi trên cơ sở thực tế về mức thu các điểm đỗ xe trong khu vực trung tâm thành phố. Dự kiến mức thu hợp lý để có tác dụng điều chỉnh hành vi người điều khiển phương tiện khoảng 100.000 đồng".
Mức phí cụ thể và các chính sách miễn giảm cho các đối tượng sẽ được UBND TP (trên cơ sở dự án đầu tư và phương án quản lý tài chính của sự án đầu tư được duyệt) trình HĐND TP xem xét tại kỳ họp trong năm 2024 trước khi thu phí.
Liên quan đến lộ trình thực hiện, dự kiến HĐND TP thông qua Đề án "Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông" tại kỳ họp cuối năm 2021 về loại phí và khung phí; từ năm 2022-2023, hoàn thiện các điều kiện thu phí. Xây dựng dự án đầu tư trạm thu phí.
Phương án tài chính, quản lý chi phí, xác định cụ thể mức thu phí và các chính sách miễn giảm cụ thể cho các đối tượng thu phí; năm 2024, trình HĐND TP ban hành mức thu phí cụ thể và các chính sách miễn giảm phí theo dự án đầu tư được duyệt và tổ chức thực hiện sau khi HĐND TP quyết định trong năm 2024.
Anh VũTối 15/11, tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt Xô, Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình "Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024" - Tôn vinh các điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.