Hà Nội chung sức đồng lòng, vượt qua đại dịch
Mặc dù những khó khăn do đại dịch Covid-19 để lại vẫn hiện hữu, nhưng những con số trong phát triển kinh tế - xã hội được đưa ra tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội vẫn cho thấy những tín hiệu sáng. Đặc biệt, một vấn đề được nhiều ý kiến nhắc đến là niềm tin của người dân sau những thành công trong công tác phòng, chống dịch. Đây là một động lực quan trọng để thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tiếp theo.
Quảng trường Cách mạng tháng Tám. Ảnh: Thanh Hải
Báo cáo của TP, trong các phát biểu của đại diện các cấp, các ngành của TP đều khẳng định những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, mọi người dân, đã làm nên những kết quả đáng mừng. Hà Nội không chỉ kiềm chế và đẩy lùi được đại dịch Covid-19, mà vẫn duy trì được sự tăng trưởng kinh tế, dù là thấp hơn kỳ vọng. Ngoài ra có những điểm sáng như tổng vốn đầu tư xã hội 6 tháng tăng 5,9%; vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng 3%; TP vẫn có 12.649 DN thành lập mới, tổng vốn đăng ký 175.000 tỷ đồng, tuy giảm 7% về số lượng nhưng tăng 5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ…
Đặc biệt, những kết quả trong phòng, chống dịch đã tạo sự lan tỏa tinh thần đoàn kết, củng cố niềm tin của người dân, DN, tạo sức hút về đầu tư… Cùng với đó, những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh được dần tháo gỡ bằng hàng loạt các giải pháp, bằng sự chung sức, đồng lòng từ TP đến cơ sở đã tạo thêm nguồn lực cho sự phát triển.
Nhưng không ít câu hỏi cũng đang được lãnh đạo TP đặt ra với các cấp, ngành, đó là vì sao Hà Nội có thể tăng trưởng ở mức khá cao so với cả nước (3,39%) và vì sao chúng ta không thể tăng trưởng cao hơn? Mỗi ngành, mỗi lĩnh vực đã đóng góp gì được cho tăng trưởng chung của TP, cho giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách, thu nhập của người lao động cũng là những nội dung cần “kiểm điểm". Để từ đó, có được những giải pháp để giải quyết được những tồn tại, hạn chế trong giải ngân vốn đầu tư công, sắp xếp, cổ phần hóa, nhất là những lĩnh vực cấp bách như quản lý môi trường, giải quyết các vụ việc dân sinh bức xúc...
Hơn thế nữa, dù có những tín hiệu tích cực khi nền kinh tế phục hồi, thu hút đầu tư tốt, nhưng để phấn đấu đạt kết quả cao nhất trong thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 với GRDP tăng gấp 1,3 lần so với mức tăng GDP cả nước và hoàn thành nhiệm vụ thu rất nặng nề 285.000 tỷ đồng được T.Ư giao vẫn là một bài toán đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Như các ý kiến đã nhận định, TP đã dự báo tình hình và xây dựng các kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm để chỉ đạo, điều hành, nhưng dù ở kịch bản nào, những con số tăng trưởng cũng là một sự “mạnh dạn” và “đột phá” so với thực tế hiện nay. Bởi thế, nhiều giải pháp đã được gợi mở, từ tập trung phát triển nông nghiệp, tận dụng cơ hội ở khu vực ít chịu ảnh hưởng nhất đến tháo gỡ khó khăn trong đầu tư công…
Điều được lãnh đạo TP tiếp tục nhấn mạnh hơn cả là tích cực và chủ động hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn, đối thoại và tạo điều kiện cho DN, nhà đầu tư, tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức... Để từ đó, nhanh chóng đưa các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư vào triển khai để tạo sức bật mới cho tăng trưởng. Đồng thời, hơn lúc nào hết, sự đoàn kết, chung sức đồng lòng vẫn luôn được nhắc đến, để phát huy hơn nữa, tạo ra sự cộng hưởng, động lực thúc đẩy quyết tâm hoàn thành tốt hơn nữa các mục tiêu đã đặt ra.
Trần HàTrong báo cáo cập nhật kinh tế về Việt Nam công bố ngày 12/12, Ngân hàng Standard Chartered dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh 6,7% vào năm 2025.