Hà Nội: Chương trình mỗi xã một sản phẩm trở thành cầu nối đưa sản phẩm chất lượng cao đến với người tiêu dùng

Kinh doanh
08:30 AM 22/08/2022

Thông qua các hội trợ, các điểm kết nối, siêu thị, chuỗi thực phẩm... Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Hà Nội trở thành cầu nối, đưa sản phẩm chất lượng cao đến với người tiêu dùng Thủ đô cũng như cả nước.

Mới đây, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức Tuần lễ quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, trái cây, nông sản tại Hà Nội với sự tham gia của trên 60 doanh nghiệp, hợp tác xã của Hà Nội và 20 tỉnh, thành phố.

Mang sản phẩm nông sản, đặc sản của Đắk Nông như: Hạt mắc ca, cà phê… đến với người dân Thủ đô, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát Trương Thị Thanh Lam cho biết, đây đều là những sản phẩm nông sản tiêu biểu của công ty, đặc sản vùng miền của Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng.

Hà Nội: Chương trình mỗi xã một sản phẩm trở thành cầu nối đưa sản phẩm chất lượng cao đến với người tiêu dùng - Ảnh 1.

Giới thiệu sản phẩm OCOP cho người tiêu dùng tại hội chợ sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP tại điểm kết nối của huyện Quốc Oai.

"Những sản phẩm này đều được chấm giải 3 sao, 4 sao của OCOP. Tôi hy vọng thông qua hội chợ này, đông đảo người dân Thủ đô sẽ biết đến sản phẩm vùng miền Tây Nguyên nhiều hơn và công ty có thêm nhiều khách hàng, đầu mối tiêu thụ tại Hà Nội", bà Lam mong muốn.

Đi tham quan, mua sắm tại hội chợ, chị Nông Hồng An (quận Long Biên) chia sẻ: Năm nào cũng vậy, cứ có hội chợ, tuần lễ quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP tại Thủ đô tôi đều giành thời gian một buổi, thậm chí là cả ngày để đi mua sắm. Tôi đặt trọn niềm tin của mình về các sản phẩm nơi đây. Ngoài giá cả hợp lý, đa dạng các mặt hàng thì các sản phẩm đều đảm bảo an toàn thực phẩm.

Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Hà Nội là thị trường lớn về tiêu thụ sản phẩm OCOP, trái cây, nông sản, với dân số 10,7 triệu người đang sinh sống, học tập, làm việc. Người tiêu dùng Thủ đô ưa chuộng sản phẩm đặc sản, rõ nguồn gốc xuất xứ, có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, chất lượng tốt, sẵn sàng chấp nhận mức giá cao hơn so với sản phẩm cùng loại ngoài thị trường.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Tuần lễ quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, trái cây, nông sản tại Hà Nội có ý nghĩa thiết thực trong việc đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã của Hà Nội và các tỉnh, thành phố quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm, đồng thời giúp người tiêu dùng Thủ đô nhận biết, có thêm nhiều lựa chọn tiêu dùng sản phẩm chất lượng với giá cả hợp lý.

Trước đó, Hội Nông dân huyện Quốc Oai đã tổ chức khai trương điểm kết nối, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn cho người dân tại thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu.

Với các sản phẩm có chứng nhận OCOP như: Gạo Ngọc thơm, gạo lứt đỏ đất ngọc… mang đến điểm kết nối, anh Nguyễn Thành Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp An Khánh cho rằng, đây là cơ hội để chúng đơn vị kết nối tới nhiều khách hàng hơn, qua đó mở rộng sản xuất để cung cấp các sản phẩm sạch, an toàn của địa phương.

Hà Nội: Chương trình mỗi xã một sản phẩm trở thành cầu nối đưa sản phẩm chất lượng cao đến với người tiêu dùng - Ảnh 2.

Tham quan sản phẩm OCOP tại hội chợ sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP tại Hà Nội.

Anh Nguyễn Doãn Hợi, chủ cơ sở Giò chả Hợi Thương (với các sản phẩm chế biến từ thịt lợn như giò xào, giò tai, xúc xích, giò sụn, chả lụa…, chia sẻ, toàn bộ các sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP từ 3 đến 4 sao vào năm 2019 mang đến điểm kết nối) xem đây là cơ hội để cơ sở nâng cao chất lượng sản phẩm, tự tin đem thương hiệu đến với người tiêu dùng Thủ đô.

Theo Nguyễn Tuấn Hưng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quốc Oai, 100% sản phẩm trưng bày và bán tại điểm giới thiệu tiêu thụ nông sản an toàn đều đã được công nhận là sản phẩm an toàn, có mã truy xuất nguồn gốc, công nhận nhãn hiệu tập thể và đạt chứng nhận sản phẩm OCOP của huyện Quốc Oai.

Trong số đó phải kể đến các thương hiệu đặc trưng như: Giò chả Hợi Thương; ổi Đài Loan, trứng vịt xã Tuyết Nghĩa; thịt lợn sinh học Đồng Tâm; trứng gà Ai Cập, trứng gà đỏ, chim bồ câu xã Cấn Hữu; rau an toàn của các xã: Nghĩa Hương, Cộng Hòa; chè tươi xã Đông Yên; chè Long Phú xã Hòa Thạch…

"Chương trình giúp các sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn an toàn của hội viên nông dân ở các địa phương có điều kiện được mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng thời, kết nối với các doanh nghiệp, các hợp tác xã, các chủ cửa hàng sản xuất, kinh doanh trong và ngoài thành phố tiêu thụ các sản phẩm nông sản bảo đảm sản xuất sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và các sản phẩm được công nhận OCOP có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng", ông Nguyễn Tuấn Hưng khẳng định.

Nam Dương
Ý kiến của bạn
Chuyên gia quốc tế “mách nước” 8 bí quyết đưa Cát Bà thành đảo sinh thái xanh toàn diện Chuyên gia quốc tế “mách nước” 8 bí quyết đưa Cát Bà thành đảo sinh thái xanh toàn diện

Theo ông Michael van de Watering - Chuyên gia đầu ngành của Tập đoàn Tư vấn Toàn cầu về các công trình Thích ứng biến đổi khí hậu, Lấn biển, Hàng hải và Công nghệ Xử lý Nước Royal HaskoningDHV, để phát huy tiềm năng, phát triển bền vững, đảo Cát Bà cần sự chung tay của cả Chính phủ, DN và cộng đồng với 8 việc cần làm ngay.