Hà Nội có 14.500 điểm bán hàng bình ổn phục vụ Tết Giáp Thìn

Địa phương
02:28 PM 24/01/2024

Theo số liệu của Sở Công Thương Hà Nội, thành phố sẽ có hơn 14.500 điểm bán hàng bình ổn phục vụ Tết Nguyên đán. Ước tính, tổng giá trị hàng hóa là gần 41 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm ngoái.

Ngày 23/1, tại buổi làm việc giữa Bộ Công Thương và Sở Công Thương thành phố Hà Nội về Công tác đảm bảo cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, sở đã vận động và phê duyệt 32 đơn vị tham gia chương trình (gồm 20 đơn vị của Hà Nội và 12 đơn vị của 6 tỉnh, thành phố), cung ứng các mặt hàng bình ổn tới hơn 14.535 điểm bán.

Theo đó, trên 8.000 cửa hàng kinh doanh tổng hợp và chuyên doanh; gần 900 sạp hàng tại các chợ truyền thống và gần 500 bếp ăn tập thể sẵn sàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết 2024. Hoạt động này nhằm thực hiện Kế hoạch bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023, đặc biệt trong dịp Tết 2024.

Hà Nội có 14.500 điểm bán hàng bình ổn phục vụ Tết Giáp Thìn- Ảnh 1.

Hà Nội có hơn 14.500 điểm bán hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2024. Ảnh minh hoạ

Theo đó, Sở Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xây dựng Kế hoạch chuẩn bị hàng hóa với tổng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết phục vụ 3 tháng trước, trong và sau Tết gồm: 292,95 nghìn tấn gạo; 58,5 nghìn tấn thịt lợn; 19,5 nghìn tấn thịt gia cầm; 16,2 nghìn tấn thịt bò; 390 triệu quả trứng gia cầm; 325,5 nghìn tấn rau củ; 16,2 nghìn tấn thủy sản; 157 nghìn tấn trái cây… Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn đạt khoảng 40.900 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với thực hiện Tết năm 2023.

Ngoài ra, Hà Nội đã triển tổ chức trên 100 hoạt động, sự kiện giao thương, xúc tiến thương mại; trong đó, Sở Công Thương duy trì tổ chức khoảng 40 sự kiện. Qua chương trình đã hỗ trợ kết nối, tiêu thụ trên 5.000 sản phẩm nông sản, sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Hà Nội và các tỉnh vào hệ thống phân phối; hỗ trợ kết nối tiêu thụ khoảng 500.000 tấn hàng hóa từ các tỉnh, thành phố.

Liên quan đến cung ứng hàng hoá dịp tết, các doanh nghiệp đã chủ động ký kết tìm nguồn cung dồi dào, phong phú đảm bảo giá cả ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao của người dân. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng đa dạng cách tiếp thị sản phẩm, qua nhiều hình thức bán hàng thông qua thương mại điện tử. Đến thời điểm hiện tại thành phố Hà Nội không thiếu hàng, song cần tăng cường kiểm tra giám sát bán hàng online.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn