Hà Nội có 9 điểm tiêm vaccine COVID-19
Bệnh viện Thanh Nhàn là đơn vị thí điểm triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 trên địa bàn Hà Nội, 8 địa điểm còn lại sẽ được triển khai từ ngày 12 đến 15/3.
9 bệnh viện và trung tâm chuyên khoa được tổ chức tiêm chủng vaccine COVID-19 tại Hà Nội gồm: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố Hà Nội, Trung tâm Cấp cứu 115, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đống Đa, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Hà Đông, Bệnh viện Đức Giang, Bệnh viện Sơn Tây và Bệnh viện Phổi Hà Nội.
Trong đợt tiêm chủng vaccine COVID-19 đợt 1 lần này, Hà Nội được Bộ Y tế phân bổ 8.000 liều vaccine AstraZeneca. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, thành phố sẽ tổ chức các điểm tiêm chủng tại bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế xã, phường, thị trấn và những điểm tiêm chủng lưu động.
Những đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine là người tham gia khám sàng lọc, lấy mẫu, điều trị người mắc/nghi mắc COVID-19 tại các bệnh viện; cán bộ đội cơ động phòng chống dịch, điều tra dịch tễ, truy vết, giám sát dịch, xử lý dịch, lấy mẫu và xét nghiệm bệnh phẩm; Ban chỉ đạo phòng chống dịch tại các phòng khám đa khoa của Trung tâm y tế hoặc trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Ngoài ra, mỗi quận, huyện, thị xã cũng có thể lựa chọn ít nhất 2 điểm tiêm tại trung tâm y tế, phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế, bệnh viện trên địa bàn tùy số lượng người thuộc nhóm nguy cơ. Trung tâm y tế tại 5 quận, huyện có khu cách ly tập trung do quân đội quản lý từ đầu năm gồm Hoàng Mai, Quốc Oai, Thanh Trì, Chương Mỹ, Hà Đông phải tổ chức một điểm tiêm lưu động. Địa điểm tại khu cách ly tập trung trên địa bàn. Thời gian triển khai điểm tiêm chủng vaccine COVID-19 tại những khu vực này là từ ngày 15 đến 18/3.
Theo quy định của Bộ Y tế, các điểm tiêm chủng đều phải đáp ứng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về lưu giữ và bảo quản vaccine, bố trí các khu vực chức năng (chỗ đón tiếp, nơi ngồi chờ, phòng khám sàng lọc, phòng tiêm, phòng theo dõi sau tiêm, phòng xử lý sốc phản vệ) trên quy tắc một chiều.
Các điểm tiêm chủng trang bị hộp chống sốc và phải tuân thủ quy định về phòng, chống dịch. Tất cả người tiêm chủng đều được khám sàng lọc, phổ biến cách theo dõi sức khỏe và phản ứng sau tiêm. Khi phát hiện những biểu hiện bất thường, họ phải liên lạc với cơ sở y tế để được xử lý và điều trị kịp thời.
Theo thông tin từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia (TCMR), đến cuối giờ chiều ngày 9/3, đã thực hiện tiêm chủng vaccine COVID-19 cho 522 người tại TP HCM, Hà Nội, Hải Dương, Gia Lai là các cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID19, nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng.
Trong số này, một số người xảy ra phản ứng phụ sau tiêm, hầu hết nhẹ. Theo Bộ Y tế sáng 10/3, có 5 trường hợp phản vệ nặng hơn, được theo dõi xử trí tại bệnh viện, trong đó có 2 trường hợp phản vệ độ 2 đã được xử lý, 3 trường hợp tiêu chảy, dị ứng, kẹt huyết áp. Sức khỏe của tất cả trường hợp trên hiện đã ổn định.
Sắp tới, Việt Nam sẽ tiếp nhận thêm hơn 5,6 triệu liều vaccine COVID-19. Trong đó, 4,177 triệu liều vaccine phòng COVID-19 do COVAX Facility hỗ trợ, thông qua Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) cung ứng và 1,48 triệu liều do Bộ Y tế mua, thông qua VNVC.
Thương HuyềnKhông khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.