Hà Nội có nguy cơ thành “điểm nóng” sốt xuất huyết
Trong những tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh, Hà Nội đang phải đối mặt với nguy cơ trở thành điểm nóng về sốt xuất huyết ở miền Bắc.
Dù đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn, khống chế sự lây lan của sốt xuất huyết từ rất sớm nhưng công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này trên địa bàn Hà Nội vẫn đối mặt với không ít khó khăn.
Bác sĩ Vương Trương Trọng, Khoa Các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng. 6 tháng đầu năm nay, khoa tiếp nhận 98 trường hợp sốt xuất huyết, trong đó riêng tháng 6/2023 có hơn 10 ca.
Tuy nhiên, chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 7/2023 đã ghi nhận tới 7 ca bệnh phải nhập viện điều trị. Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết hiện nay của Hà Nội nắng nóng và mưa nhiều sẽ tạo điều kiện để muỗi sinh sôi, phát triển và nguy cơ bùng phát dịch nếu không dự phòng tốt.
Tương tự, thời điểm hiện tại, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương có khoảng 30 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đang điều trị nội trú. Đáng lưu ý, gần 2 tuần trở lại đây, số ca mắc có xu hướng gia tăng, trong đó, nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng.
Đánh giá về tình hình dịch sốt xuất huyết trong năm nay, Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương, cho biết, mặc dù số ca bệnh giảm chung trên cả nước và ở miền Nam nhưng miền Bắc lại phức tạp hơn cùng kỳ năm ngoái.
"Chỉ trong quý I và quý II, miền Bắc ghi nhận đến hơn 1.100 ca, tức là tăng hơn 60% so với năm trước. Tại Hà Nội, trong khoảng 2 tuần trở lại đây, số ca mắc sốt xuất huyết bắt đầu tăng dần. Hà Nội hiện đang là điểm nóng nhất về sốt xuất huyết dengue ở miền Bắc với khoảng 500 ca mắc”, Tiến sĩ Dũng cho hay.
Hà Nội có số ca mắc có thể sẽ rất cao, bởi so với cùng kỳ năm ngoái (năm cao lịch sử) thì số ca mắc cũng đạt tới 65%. Thời tiết tại Hà Nội đang diễn biến phức tạp, mưa sau nóng kéo dài khiến chu kỳ phát triển của muỗi phát triển rất nhanh, muỗi từ trứng đến trưởng thành chỉ mất 1 tuần. Mỗi con muỗi cái có thể sống tới 3 tháng, đẻ tới 3 lần và mỗi lần tối đa 150 trứng.
“Mùa đông hiện tại ở miền Bắc cũng không lạnh như trước đây. Do đó, chúng tôi dự báo trong thời gian tới sẽ có nguy cơ rất cao bùng phát các đợt dịch. Thông thường từ tháng 7-11 sẽ tăng lên ca mắc mới”, Tiến sĩ Dũng khuyến cáo.
Hiện nay, trên thị trường có nhiều hóa chất diệt muỗi, tuy nhiên người dân không nên tự mua về phun. Người dân có nhu cầu diệt muỗi nên liên hệ các đơn vị y tế dự phòng ở địa phương, không sử dụng các loại hóa chất không rõ ràng, tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và kháng thuốc ở muỗi.
Vừa qua, các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Viện Pasteur, và Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng đã tham mưu Bộ Y tế xây dựng lại hướng dẫn phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Bản hướng dẫn trước đã được Bộ Y tế ban hành khá lâu, từ năm 2014, nên Việt Nam cần một hướng dẫn mới để phù hợp với những diễn biến phức tạp của dịch hiện nay.
Theo đó, các cơ quan tham mưu đã thống nhất đưa ra chính là thành lập "Tổ sốt xuất huyết cộng đồng". Tiến sĩ Dũng cũng cho rằng, mô hình tổ Covid cộng đồng nếu giờ được chuyển sang làm tổ phòng, chống sốt xuất huyết sẽ rất hợp lý.
Cũng theo chuyên gia này, vaccine chữa sốt xuất huyết đang xin thủ tục để đăng ký cấp phép tại Việt Nam, vaccine của một hãng sản xuất thuốc tại Nhật Bản mang lại hiệu quả tốt, vừa qua cũng đã được các nước châu Âu cấp phép.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, nếu như cuối tháng 6 và đầu tháng 7/2023, trên địa bàn thành phố ghi nhận từ 130 đến 170 ca sốt xuất huyết/tuần thì đến giữa tháng 7 đã tăng gấp khoảng 2 lần (với 290 ca/tuần).
Ngoài ra, ổ dịch cũng tăng gấp 3 lần, từ 7 ổ dịch mới trong tuần 27 (từ ngày 30/6 đến 7/7) đã tăng lên 22 ổ dịch trong tuần 28 (từ ngày 7 đến 14/7).
Từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố Hà Nội có tổng số 1.114 ca mắc sốt xuất huyết, không có ca tử vong (số mắc tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022).
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 72 ổ dịch sốt xuất huyết.
Hiện còn 27 ổ dịch, trong đó ổ dịch có nhiều bệnh nhân nhất với 160 người là xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất; tiếp đến là thôn Nguyên Hanh, xã Văn Tự, huyện Thường Tín với 24 bệnh nhân; xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất có 29 bệnh nhân…
Kết quả kiểm tra, giám sát tại các ổ dịch cho thấy một số tồn tại như xử lý ổ dịch muộn, chưa triệt để, chỉ số côn trùng sau xử lý cao vượt ngưỡng nguy cơ, tỷ lệ phun hóa chất chưa đạt yêu cầu...
Đặc biệt, ở những khu vực có mật độ dân cư đông, nhiều khu nhà trọ, ý thức phòng, chống dịch của người dân chưa cao.
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.