Hà Nội công bố 9 khoản tiền các trường được phép thu đầu năm học 2023 - 2024
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa đưa ra những quy định cụ thể về khoản thu học phí năm học 2023 - 2024 tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn. Sở đề nghị không được thu bất kỳ khoản thu nào khác ngoài quy định.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, mức thu học phí được thực hiện theo Nghị quyết số 03/2023/NQ-HĐND ngày 4/7/2023 của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội, quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, trường học phổ thông công lập trên địa bàn năm học 2023 - 2024.
Cụ thể, mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông khu vực thành thị (bao gồm các phường và thị trấn) là 300.000 đồng/học sinh/tháng.
Mức thu học phí khu vực nông thôn (các xã, trừ xã miền núi) là 100.000 đồng/học sinh/tháng, áp dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; cấp trung học phổ thông 200.000 đồng/học sinh/tháng.
Khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi (các xã miền núi) thu 50.000 đồng/học sinh/tháng, áp dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; cấp trung học phổ thông thu 100.000 đồng/học sinh/tháng.
Các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục chủ động xây dựng mức thu học phí và giá các dịch vụ khác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo (trừ dịch vụ do Nhà nước định giá) và công khai, giải trình với người học và xã hội.
Cụ thể có 9 khoản tiền được phép thu đầu năm học 2023 - 2024 gồm: Ăn bán trú, tiền ăn thỏa thuận với cha mẹ học sinh; chăm sóc bán trú không quá 150.000 đồng/ học sinh/ tháng; trang thiết bị phục vụ bán trú, đối với mầm non không quá 150.000 đồng/ học sinh/ năm, đối với Tiểu học, Trung học cơ sở không quá 100.000 đồng/ học sinh/ năm.
Tiền học 2 buổi/ ngày: Đối với học sinh Tiểu học không quá 100.000 đồng/ học sinh/ tháng; học sinh Trung học cơ sở không quá 150.000 đồng/ học sinh/ tháng.
Nước uống, Học sinh (Mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên) không quá 12.000 đồng/ học sinh/ tháng.
Bảo hiểm y tế học sinh: Thực hiện theo Nghị định số 62/2009/NĐ-CP ngày 27/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế, Thông tư liên tịch số 09/2009/TTLT-BYT-BTC ngày 14/8/2009 của Liên Bộ Y tế - Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện Bảo hiểm y tế.
Viện trợ, quà biếu, tặng, cho: Các nguồn thu này phải được ghi chép, quản lý thống nhất qua hệ thống sổ sách kế toán và được chi tiêu theo thỏa thuận với các đơn vị viện trợ, tặng, biếu và quy chế chi tiêu nội bộ của trường theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ và Thông tư số 71/2006/TT-BTV ngày 9/8/2006 của Bộ Tài chính…
Tài trợ: Thực hiện theo quy định tại Thông tư 29/201/TT-BGDĐT ngày 10/9/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Quần áo đồng phục, phù hiệu: Thực hiện theo Thông tư số 26/2009/TT-BGDĐT ngày 30/9/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc mặc đồng phục và lẽ phục tốt nghiệp của học sinh và sinh viên.
Các cơ sở giáo dục thực hiện thu, chi các khoản thu khác phải bảo đảm nguyên tắc thu đủ, chi đủ, đúng mục đích, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, thu nhập trên từng địa bàn.
Mức thu căn cứ trên cơ sở dự toán chi phí, nội dung chi, phải được thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện, có sự thống nhất của ban giám hiệu nhà trường và cơ quan quản lý cấp trên (UBND quận, huyện, thị xã hoặc Sở GD&ĐT theo phân cấp quản lý) trước khi ban hành.
Đối với việc dạy thêm, học thêm, Sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý cần thực hiện nghiêm túc quy định tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, Quyết định 2499/QĐ-BGDĐT về việc công bố hết hiệu lực các Điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, Quyết định 22/2013/QĐ-UBND ban hành quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn TP Hà Nội và các văn bản liên quan khác.
Ngọc MỹVới 506 tỷ USD, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng nhờ sự bùng nổ sản xuất và đầu tư nước ngoài.