Hà Nội: Cụ thể hóa chỉ tiêu phát triển các huyện lên quận

Sự kiện
07:22 AM 02/07/2020

Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Lê Anh Quân cho rằng, Báo cáo chính trị Đảng bộ thành phố lần thứ XVII cần cụ thể hóa chỉ tiêu có bao nhiêu huyện phát triển lên quận trong nhiệm kỳ tới, từ đó, phần nhiệm vụ, giải pháp phải đậm nét hơn, có các chương trình, nghị quyết riêng để thúc đẩy đô thị hóa tại 5 huyện được quy hoạch lên quận.

Các đại biểu thảo luận tại tổ

Chiều 30/6, tiếp tục chương trình Hội nghị lần thứ 24, BCH Đảng bộ thành phố Hà Nội đã tiến hành thảo luận tại tổ, đóng góp ý kiến vào dự thảo lần thứ 3, Báo cáo chính trị Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Theo tờ trình về việc xem xét, cho ý kiến vào dự thảo lần 3, Báo cáo chính trị của Thành ủy khóa XVI trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XVII do Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong trình bày, qua 9 lần rà soát, Tiểu ban Văn kiện đã hoàn thiện Dự thảo lần 2 Báo cáo chính trị để tổ chức in ấn và gửi xin ý kiến góp ý của các giới, ngành, cơ quan, đơn vị và Nhân dân.

Đến nay, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tham mưu Thường trực Thành ủy tổ chức 5 hội nghị lấy ý kiến góp ý. Trong đó, Thường trực Thành ủy chủ trì 3 hội nghị, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thăng Long và Đảng ủy khối Doanh nghiệp Hà Nội chủ trì tổ chức 2 hội nghị. Tại 5 hội nghị nêu trên, đã có 69 ý kiến đóng góp trực tiếp và 74 ý kiến đóng góp bằng văn bản.

Trên cơ sở báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Thường trực Tiểu ban Văn kiện đã chỉ đạo Tổ Thư ký, giúp việc tiếp thu, hoàn thiện, xây dựng Dự thảo lần 3 Báo cáo chính trị Đại hội XVII Đảng bộ thành phố.

Theo đó, về chủ đề, phương châm Đại hội cơ bản giữ nguyên như dự thảo lần thứ 2. Phần thứ nhất của dự thảo Báo cáo chính trị được kết cấu lại, gồm 3 phần chính: Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố, làm rõ hơn những kết quả đạt được trên 14 lĩnh vực theo Nghị quyết Đại hội XVI; Đánh giá tổng quát, làm rõ thêm về ưu điểm và nguyên nhân của hạn chế, yếu kém; 5 bài học kinh nghiệm cũng được biên tập gọn, rõ ý hơn...

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong trình bày Tờ trình về việc xem xét, cho ý kiến vào dự thảo lần 3 Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII

Trên cơ sở tổng hợp, chắt lọc, tham khảo các ý kiến, Tiểu ban Văn kiện đã biên tập và đề xuất mục tiêu tổng quát đến năm 2025: Xây dựng, phát triển Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước, xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia; Trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế; Động lực phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước; Có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh, thành phố đổi mới sáng tạo; Duy trì tăng trưởng kinh tế cao hơn so với trung bình cả nước và cao hơn giai đoạn 2015 - 2020. Hà Nội cơ bản trở thành thành phố công nghiệp hóa, hiện đại hóa, GRDP/người đạt 8.100 - 8.300 USD.

Về hệ thống các chỉ tiêu, Tiểu ban Văn kiện đề xuất bổ sung thêm 2 chỉ tiêu: Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30% và tốc độ tăng năng suất lao động từ 7 - 7,5%; Điều chỉnh chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố cuối nhiệm kỳ dưới 0,5%; Điều chỉnh giảm chỉ tiêu tỷ lệ đô thị hóa còn 60 - 62%; Điều chỉnh giảm chỉ tiêu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng còn 30 - 35%...

Tại các tổ thảo luận, các đại biểu ghi nhận, đánh giá cao Tiểu ban Văn kiện đã tiếp thu các ý kiến; Dự thảo báo cáo lần 3 được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng; Bố cục, nội dung chặt chẽ, toàn diện. Làm rõ hơn một số điểm mới trong dự thảo báo cáo chính trị lần thứ 3, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, dự thảo lần này có bổ sung, đề ra quan điểm phát triển đồng đều giữa khu vực đô thị, nông thôn và các vùng miền của thành phố.

Bí thư Thành ủy cho rằng, hiện nay, khu vực phía Bắc và phía Đông của thành phố phát triển mạnh mẽ nhưng khu vực phía Nam phát triển chậm hơn.

Đồng chí dẫn chứng, tại Thường Tín, tỷ lệ đô thị chỉ có 2,8% do đó, mục tiêu lên quận rất khó; 66% diện tích đất nông nghiệp trong tổng số 228ha của huyện nhưng chỉ tạo ra hơn 4% giá trị GDP cho thấy hiệu quả sử dụng còn rất thấp. Do vậy, trong nhiệm kỳ tới, phải xác định quan điểm phát triển đồng đều, quan tâm kết nối giao thông và đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa các huyện cửa ngõ khu vực phía Nam.

Về mục tiêu phát triển, Dự thảo lần này phân ra đến năm 2025 Hà Nội phải cạnh tranh với các thành phố trong nước và khu vực; Đến năm 2030 là cạnh tranh quốc tế và 2045 là thành phố toàn cầu.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu thảo luận tại tổ 1

Góp ý vào những nội dung cụ thể trong dự thảo Báo cáo chính trị, Trưởng ban Dân tộc thành phố Nguyễn Tất Vinh cho rằng, trong chỉ tiêu GRDP bình quân đầu người, cần tách ra thu nhập bình quân ở đô thị và khu vực nông thôn, trên cơ sở đó, sau khi Nghị quyết được ban hành mới có cơ sở để triển khai các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Về chỉ tiêu phủ kín quy hoạch, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn cho rằng, ngoài việc phủ kín quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, cần bổ sung nhiệm vụ mới là phủ kín quy hoạch chung vùng huyện. Bên cạnh nhiệm vụ phát triển chùm đô thị, cần bổ sung nhiệm vụ hoàn thiện phát triển đô thị trung tâm và khu vực đô thị sông Hồng.

Về kết quả tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Nguyễn Đức Hòa kiến nghị cần cập nhật kết quả cho thống nhất. Theo đó, đến hết năm 2020, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế của thành phố đạt 90,1%; Tỷ lệ tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 95% và tốc độ gia tăng bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 30%.

Về chỉ tiêu đô thị hóa, Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Lê Anh Quân cho rằng cần cụ thể hóa chỉ tiêu có bao nhiêu huyện phát triển lên quận trong nhiệm kỳ tới, từ đó, phần nhiệm vụ, giải pháp phải đậm nét hơn, có các chương trình, nghị quyết riêng để thúc đẩy đô thị hóa tại 5 huyện được quy hoạch lên quận.

Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Đức Vinh góp ý, một trong những trọng tâm, đột phá về hạ tầng của thành phố trong 5 năm tới là phải tập trung nguồn lực, hoàn thành cơ bản kết cấu hạ tầng giao thông kết nối các quận, huyện của thành phố.

Hạnh Nguyên
Ý kiến của bạn
Thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp đà phát triển bền vững Thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp đà phát triển bền vững

Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.