Hà Nội đã sẵn sàng đưa gói an sinh xã hội đến với người dân
Như Báo Hànộimới đã thông tin, ngày 29-4, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1757 QĐ-UBND về việc phê duyệt kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 của thành phố Hà Nội.
Để chính sách trợ giúp đến ngay với đối tượng thụ hưởng, các ngành, địa phương trên địa bàn thành phố đã triển khai quyết định này với tinh thần nghiêm túc, quyết liệt, khẩn trương.
Người dân thôn Đại Bái, xã Đại Thịnh (Mê Linh) phấn khởi đón nhận tiền hỗ trợ từ gói an sinh xã hội
Không để người dân phải chờ lâu
16h ngày 29-4, chị Nguyễn Thị Thuận, thành viên hộ cận nghèo (thôn Đại Bái, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh) đến nhà văn hóa thôn Đại Bái để nhận tiền hỗ trợ. Cầm số tiền 1,5 triệu đồng trên tay, chị Thuận xúc động chia sẻ: “Là người đơn thân nuôi con nhỏ, công việc lại bấp bênh, nên cuộc sống của hai mẹ con tôi gặp nhiều khó khăn, nhất là trong giai đoạn có dịch Covid-19. Tôi sẽ dùng tiền hỗ trợ này để mua lương thực, thực phẩm thiết yếu; mua thêm bộ quần áo mùa hè cho con, để cháu có quần áo mới chuẩn bị trở lại trường học”.
Cũng ở thôn Đại Bái, ông Nguyễn Mạnh Hùng, đối tượng người có công phấn khởi đón nhận số tiền hỗ trợ từ các cơ quan chức năng. Là người từng tham gia chiến đấu trên chiến trường, được chứng kiến những chặng đường phát triển của đất nước, hơn ai hết, ông Hùng thấu hiểu sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, thành phố Hà Nội đến mọi mặt đời sống của người dân. “Cảm xúc trong tôi thật khó diễn tả thành lời khi đón nhận tiền hỗ trợ từ gói an sinh xã hội của Chính phủ. Để đáp lại sự quan tâm này, tôi tự hứa với bản thân sẽ sống tốt hơn nữa, làm nhiều việc tốt hơn nữa” - ông Hùng nói.
Không riêng những trường hợp nêu trên, do chủ động tiến hành chi trả sớm, nên đến cuối ngày 29-4, trên địa bàn huyện Mê Linh đã có khoảng 10.000 người được tiếp cận với gói an sinh xã hội; chiếm gần 60% đối tượng được thụ hưởng trong đợt 1. Việc chi trả diễn ra an toàn, nghiêm túc, khẩn trương, tuân thủ quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Ngoài huyện Mê Linh, thực hiện Quyết định số 1757 QĐ-UBND, chiều 29-4, các quận, huyện, thị xã đã bố trí nguồn kinh phí; hướng dẫn các xã, phường, thị trấn xây dựng phương án hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Theo đó, đa số các xã, phường, thị trấn sẽ thực hiện việc chi trả số tiền hỗ trợ cho các đối tượng thuộc diện được thụ hưởng bắt đầu từ ngày mai, 30-4 và diễn ra liên tục trong những ngày kế tiếp, bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ cuối tuần.
Việc chi trả sẽ diễn ra theo hình thức trực tiếp tại nhà văn hóa, nhà hội họp ở các khu dân cư, tổ dân phố. Để bảo đảm an toàn trong bối cảnh có dịch Covid-19, các địa phương yêu cầu người dân đến nhận tiền theo giờ hẹn trước, không tập trung đông người cùng một thời điểm, bắt buộc phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn…
Những điểm cần lưu ý
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, quá trình triển khai chính sách an sinh xã hội chưa có tiền lệ sẽ khó tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh. Để quá trình chi trả diễn ra an toàn, thuận tiện, chiều 29-4, Sở đã có văn bản hướng dẫn các địa phương tiến hành chi trả số tiền hỗ trợ đúng người, đúng đối tượng.
Sở lưu ý các địa phương không hỗ trợ các đối tượng tự nguyện không tham gia. Với những người đã nhận một chính sách hỗ trợ, nhưng nếu các cơ quan có thẩm quyền xác nhận đối tượng này thuộc diện hưởng chính sách ở mức hỗ trợ cao hơn, thì các cơ quan chức năng phải truy thu nguồn kinh phí đã phát, sau đó chi trả mức hỗ trợ cao nhất cho họ. Trong trường hợp đối tượng thụ hưởng vắng mặt tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú thì chính quyền cấp cơ sở lập danh sách, chuyển đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các quận, huyện, thị xã, sau đó cơ quan này mời đối tượng đến nhận vào thời gian thích hợp.
Một số đối tượng là người có công, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, nhưng không thuộc diện được thụ hưởng gói an sinh xã hội là những người có công đã mất trước ngày 1-4-2020, nhưng chưa kịp báo giảm trong danh sách chi trả trợ cấp ưu đãi tháng 4-2020; vợ hoặc chồng liệt sĩ đã tái giá... Ngoài ra, thành viên mới phát sinh trong các hộ nghèo, cận nghèo từ 1-1-2020 đến nay (trẻ em mới sinh, con dâu mới về nhà chồng, bộ đội xuất ngũ trở về gia đình) và những người đã mất trước ngày 1-4-2020 cũng không thuộc đối tượng được thụ hưởng.
Khi tiến hành chi trả, đối tượng người có công, bảo trợ xã hội được hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng, thời gian hưởng là 3 tháng. Nhân khẩu thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ 250.000 đồng/người/tháng, thời gian hưởng là 3 tháng. Trong trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng thụ hưởng, thì họ có quyền lựa chọn mức hỗ trợ cao nhất.
Theo ghi nhận, đến thời điểm này, các địa phương trên địa bàn thành phố đã chuẩn bị tương đối đầy đủ nguồn lực vật chất, con người, sẵn sàng đưa gói an sinh xã hội đến với người dân trong thời gian sớm nhất.
Theo Hà Nội mới
VNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.