Hà Nội đã thu hút 1,6 tỷ USD vốn FDI trong 10 tháng

Tài chính - Đầu tư
08:48 AM 05/11/2024

Trong 10 tháng năm 2024, thành phố Hà Nội đã thu hút 1,6 tỷ USD vốn FDI. Trong đó, 233 dự án đăng ký cấp mới, với số vốn hơn 1,1 tỷ USD; 160 lượt dự án tăng vốn đầu tư với 184 triệu USD; 192 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, đạt 208 triệu USD.

Kể từ khi Việt Nam mở cửa thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đến nay, Hà Nội luôn đứng trong tốp đầu cả nước về thu hút vốn FDI, tạo được ấn tượng tích cực, cũng như thúc đẩy tiến trình xây dựng, phát triển kinh tế.

Kết quả thu hút vốn FDI trong 10 tháng qua đã tiếp tục nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng nguồn vốn FDI của Thủ đô, nhất là xét trong tương quan với cả nước. Đến nay, thành phố Hà Nội đã thu hút được khoảng 8.000 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 57 tỷ USD, đứng thứ 2 cả nước về thu hút FDI.

Hà Nội đã thu hút 1,6 tỷ USD vốn FDI trong 10 tháng- Ảnh 1.

Hà Nội luôn đứng trong tốp đầu cả nước về thu hút vốn FDI. Ảnh: VGP

Điều đặc biệt là khu vực FDI đã đóng góp rất lớn cho kinh tế - xã hội của thành phố, với ưu thế tiềm lực về vốn, công nghệ, năng lực quản trị. Đó là, khu vực FDI đóng góp cho tăng trưởng kinh tế Thủ đô trên cả góc độ tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế, góp phần gia tăng tổng đầu tư xã hội, tăng trưởng GRDP.

Khu vực FDI cũng đóng góp cơ bản trong việc gia tăng giá trị xuất khẩu trên địa bàn. Qua thời gian, các dự án FDI tạo hiệu ứng lan tỏa về công nghệ, trình độ, năng lực sản xuất, kinh doanh và quản lý đối với các doanh nghiệp trong nước.

Sự xuất hiện của khối doanh nghiệp FDI cũng tạo sức ép cạnh tranh mạnh mẽ hơn trong từng lĩnh vực, làm động lực cho doanh nghiệp trong nước cải tiến công nghệ, thay đổi mẫu mã, chất lượng sản phẩm; tác động chuyển dịch cơ cấu ngành của các lĩnh vực.

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, FDI là nguồn lực vô cùng quan trọng để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế, thực hiện khâu đột phá phát triển đồng bộ, hiện đại hóa Thủ đô. Điều đó có được nhờ hàng loạt hoạt động cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành, đối thoại với cộng đồng nhà đầu tư của thành phố, qua đó nhận diện khó khăn, vướng mắc để chủ động hỗ trợ, tháo gỡ.

Các sở, ngành lập kế hoạch và có chương trình hành động theo chức năng nhiệm vụ của mình để vào cuộc, cải thiện chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố.

Theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội Nguyễn Ánh Dương, thời gian qua, thành phố luôn quan tâm và dành những điều kiện thuận lợi nhất để thu hút đầu tư, nhất là nguồn vốn FDI. Bên cạnh những cơ chế ưu đãi chung đã có, Luật Thủ đô mới còn mở ra nhiều cơ chế ưu đãi, chính sách hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư.

Đơn cử, với doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực được xác định "ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược" sẽ được thành phố miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 10 năm và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho thời gian còn lại; đồng thời, được áp dụng mức thuế suất 5% thuế thu nhập doanh nghiệp; trong đó, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Năm 2024, thành phố Hà Nội phấn đấu thu hút khoảng 3,15 tỷ USD vốn FDI; trong đó, các dự án có sử dụng đất khoảng hơn 2,15 tỷ USD, các dự án thương mại, dịch vụ khoảng 1 tỷ USD. Năm 2025, thành phố tiếp tục thu hút khoảng 2,7 tỷ USD vốn FDI. 

Để đạt được con số này, thành phố cần có sự bứt phá hơn nữa trong thu hút đầu tư, bởi hiện Hà Nội còn nhiều rào cản khiến các nhà đầu tư nước ngoài "chần chừ" rót vốn. Lãnh đạo các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ,… cũng khẳng định sẽ tích cực phối hợp với Hà Nội để triển khai thi hành Luật Thủ đô 2024, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù để Hà Nội có thể thu hút các nhà đầu tư lớn.

Để phát huy tiềm năng, tận dụng cơ hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, thành phố sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển Thủ đô; khẩn trương tổ chức thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi), xây dựng một số chính sách đặc thù về tổ chức chính quyền đô thị, phân cấp, ủy quyền, thu hút trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao,… Điều này không chỉ giúp Hà Nội nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ và bền vững.

Thương Huyền
Ý kiến của bạn
Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam phấn đấu đạt 6 tỷ USD Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam phấn đấu đạt 6 tỷ USD

Dự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu nỗ lực khắc phục được những hạn chế, năm 2025, Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này lên mức 4 tỷ USD và đạt 6 tỷ USD vào năm 2030.