Hà Nội đảm bảo hàng hóa thiết yếu, sẵn sàng ứng phó với dịch COVID-19
Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đơn vị đã làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn về phương án bảo đảm hàng hóa thiết yếu, sẵn sàng ứng phó với dịch COVID-19.
- Hà Nội: Thiết lập 4 chốt phong tỏa, lấy mẫu xét nghiệm sau khi ghi nhận ca F0 đầu tiên tại phường Nam Đồng
- Hà Nội ngày đầu triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch: Đường phố vắng vẻ, chợ tấp nập người mua
- Bí thư Hà Nội: Tận dụng tối đa "thời điểm vàng" để chặn đứng dịch, người dân không nên mua gom hàng hóa
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, với phương châm 4 tại chỗ "Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, nguồn hàng tại chỗ, phục vụ tại chỗ" và 3 sẵn sàng "Chủ động nguồn hàng, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương", Hà Nội đảm bảo dự trữ đầy đủ 17 nhóm hàng thiết yếu, đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng của người dân, vì vậy, người dân không phải lo lắng, mua hàng tích trữ.
Theo đó, lượng hàng hóa thiết yếu tăng gấp 3 lần so với bình thường. Dự kiến, lượng hàng hóa chuẩn bị trong 3 tháng khoảng 194.000 tỷ đồng; lượng hàng hóa dự kiến hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố khoảng 21.500 tỷ đồng. Ngoài 495 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa…, để phục vụ phòng, chống COVID-19, thành phố đã rà soát bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện, thị xã để làm kho dự trữ hàng, bán lưu động khi cần thiết.
Về số lượng cụ thể, đại diện Sở Công Thương cho biết, ngành Công Thương Hà Nội dự trữ 836.000 tấn gạo, 167.346 tấn thịt lợn, thịt trâu bò 48.150 tấn, 55.782 tấn thịt gia cầm, trên 1 triệu quả trứng gia cầm… Căn cứ theo mức độ lây lan của dịch đã xác định tổng trị giá lượng hàng hóa phục vụ nhân dân tại các khu vực cách ly, phong tỏa theo 3 cấp độ như sau: Cấp độ 1 từ 20 ca nhiễm đến dưới 1.000 trường hợp mắc bệnh trở lên là 313,78 tỷ đồng; cấp độ 2 từ 1.000 đến 3.000 trường hợp mắc là 1048,71 tỷ đồng; cấp độ 3 từ trên 3.000 đến 30.000 trường hợp mắc là 5.359,05 tỷ đồng.
Đến nay, 100% UBND các quận, huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch đảm bảo nguồn cung nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân ứng phó với dịch COVID-19. Theo đó, UBND các quận, huyện, thị xã đã chủ động chuẩn bị bố trí 1.920 địa điểm sẵn sàng trưng dụng làm kho dự trữ và điểm bán hàng lưu động, 236 xe ô tô sẵn sàng vận chuyển hàng hóa khi cần thiết.
Các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ dự trữ hàng hóa đã chuẩn bị lượng hàng hóa tăng gấp 2-3 lần so với bình thường và tăng cường sản xuất, khai thác, dự trữ hàng hoá đầy đủ tại các kho hàng của doanh nghiệp và đặt hàng với nhà cung cấp đảm bảo lượng hàng hoá được giao sẵn sàng phục vụ nhân dân khi cần thiết.
Cùng với đó, Sở Công Thương Hà Nội đã đề xuất UBND thành phố Hà Nội chấp thuận cho phép 132 xe ô tô, xe sitec của 20 doanh nghiệp được hoạt động 24/7 ngày cung ứng hàng hóa thiết yếu, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu nhân dân, bình ổn thị trường và công tác phòng, chống dịch COVID-19. Cùng đó, tiếp tục trình Thành phố cho phép thống nhất phương án chấp thuận cho xe các tỉnh, thành phố và xe của doanh nghiệp lưu thông 24/7 ngày phục vụ vận chuyển hàng hóa phòng, chống dịch...
Hiện tại, Sở Công Thương Hà Nội đã chủ động kết nối với 53 tỉnh, thành phố; trong đó, tập trung vào các khu vực phía Bắc để nắm rõ các doanh nghiệp chủ lực sản xuất hàng công nghiệp, nông sản tại các địa phương để cung cấp cho các đơn vị phân phối của Hà Nội; chủ động liên hệ, ký kết nguồn hàng, sẵn sàng cung cấp lượng hàng cần thiết khi Hà Nội có nhu cầu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác hỗ trợ một số tỉnh tiêu thụ hàng hóa khó khăn trong tiêu thụ, dư cung do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Tại buổi làm việc, đại diện các hệ thống siêu thị cho biết, đã chủ động, sẵn sàng các phương án dự trự hàng hóa, với lượng hàng nhu yếu phẩm tăng từ 30% đến 50%, đồng thời cam kết không tăng giá bán thời điểm này. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, phân phối, các chợ đầu mối đều khẳng định đảm bảo nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân, người tiêu dùng không nên đi mua sắm tích trữ gây mất ổn định thị trường…
Quang DũngTrong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.