Hà Nội dẫn đầu cả nước về sản phẩm OCOP

Địa phương
09:16 AM 26/08/2022

Tính đến nay, TP Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và công nhận được 1.649 sản phẩm OCOP, gồm 4 sản phẩm 5 sao của Công ty TNHH Gốm Sứ Quang Vinh; 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao (đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét đánh giá, phân hạng); 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao.

Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề và làng có nghề lớn nhất toàn quốc với 1.350 làng nghề, hội tụ 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước nên có nhiều lợi thế trong việc đánh giá, phân hạng sản phẩm cũng như giới thiệu, quảng bá, xúc tiến các sản phẩm OCOP; kỳ vọng đáp ứng được yêu cầu của Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 theo mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ đặt ra.

Hà Nội dẫn đầu cả nước về sản phẩm OCOP  - Ảnh 1.

TP. Hà Nội đã mở trên 50 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Nguồn: Internet.

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho hay, thành phố đang là đơn vị dẫn đầu cả nước về số sản phẩm OCOP và số sản phẩm OCOP cấp quốc gia 5 sao. Tính đến nay, TP Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và công nhận được 1.649 sản phẩm OCOP, gồm 4 sản phẩm 5 sao của Công ty TNHH Gốm Sứ Quang Vinh; 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao (đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét đánh giá, phân hạng); 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao. OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn.

Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm đến năm 2025, TP Hà Nội phấn đấu có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên.

Trong đó, phấn đấu 3% sản phẩm tiềm năng 5 sao; 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao có sản phẩm OCOP; có ít nhất 70% chủ thể OCOP là tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp; Có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng hoặc tham gia liên kết chuỗi giá trị ổn định, hiệu quả; 100% các sản phẩm OCOP được tham gia các sự kiện trưng bày, giới thiệu, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP; mỗi huyện, thị xã xây dựng ít nhất 1 trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch.

Hàng năm, mỗi quận, huyện, thị xã phát triển ít nhất 2 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; phấn đấu 100% các trung tâm thương mại, siêu thị tổng hợp giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử…).

Những năm qua, TP Hà Nội đã quan tâm, tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại, tổ chức các tuần lễ hàng giúp cho các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng. Qua đó, sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền từng bước được người tiêu dùng nhận diện, đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã bao bì, phong phú về chủng loại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Xây dựng được 55 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn.

Hà Nội dẫn đầu cả nước về sản phẩm OCOP  - Ảnh 2.

Giới thiệu sản phẩm OCOP với người tham quan, mua sắm. Nguồn: Internet.

Để tiếp tục hỗ trợ các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP TP Hà Nội với mục đích nhằm tuyên truyền về chương trình OCOP, sản phẩm OCOP để các doanh nghiệp, cá nhân nhận diện, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời, hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm OCOP sản xuất cung ứng sản phẩm OCOP đảm bảo tiêu chuẩn, yêu cầu, thị hiếu, thủ tục của nhà phân phối, người tiêu dùng để đẩy mạnh khai thác, tiêu thụ sản phẩm OCOP chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, giá cả phù hợp.

Mới đây, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Thành phố công nhận 595 sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội năm 2021. Trong 595 sản phẩm của 171 chủ thể được chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2021, thì có 367 sản phẩm đạt 4 sao, 228 sản phẩm đạt 3 sao. Điều này cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ban, ngành, các quận, huyện, thị xã và các xã, chủ thể trong việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn TP Hà Nội trong thời gian qua.

Hiện tại, TP Hà Nội đã mở trên 50 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Riêng trong năm 2021, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với 14 quận, huyện khai trương 22 điểm OCOP. Năm 2022, theo kế hoạch, TP Hà Nội sẽ đánh giá, xếp hạng cho khoảng 400 sản phẩm, nhưng hiện đã có tới 488 sản phẩm đăng ký đánh giá, phân hạng. Con số này cho thấy chương trình OCOP đã lan tỏa đến đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh việc "gắn sao" sản phẩm OCOP, công tác xúc tiến thương mại cũng được Hà Nội đẩy mạnh triển khai thực hiện. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội đã tổ chức cho các chủ thể tham gia chương trình Hội chợ "Diễn đàn sản phẩm OCOP Đồng Tháp và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 chủ đề Liên kết cùng phát triển" tại tỉnh Đồng Tháp; tham gia chương trình "Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 tại tỉnh Sơn La"…

Ngoài việc tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia chuỗi liên kết sản xuất, xúc tiến đầu tư, thương mại, quảng bá sản phẩm, TP Hà Nội còn là điểm đến của các hội chợ thương mại. TP Hà Nội tham gia các Festival Nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội năm 2022 tại huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Ba Vì; Hội chợ Xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP Hà Nội năm 2022; hỗ trợ kết nối quảng bá thương hiệu sản phẩm, sản phẩm OCOP các địa phương tại thị trường Hà Nội…

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2022, TP Hà Nội tiếp tục triển khai tổ chức các sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng miền (các tỉnh miền núi phía Bắc; các tỉnh, thành đồng bằng sông Hồng, miền Trung và Tây Nguyên, Nam Bộ) tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội và nhiều chương trình xúc tiến các sản phẩm OCOP khác.

Nam Dương
Ý kiến của bạn
Nhiều nhóm giải pháp nhằm đạt tăng trưởng GDP năm 2024 đạt từ 6%-6,5% Nhiều nhóm giải pháp nhằm đạt tăng trưởng GDP năm 2024 đạt từ 6%-6,5%

Nhìn tổng thể bức tranh kinh tế, kết quả tăng trưởng quý I đạt 5,66% đang sát với kịch bản cao (5,6%). Để vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những quý còn lại cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện hiệu quả, linh hoạt các chính sách điều hành của Chính phủ.