Hà Nội dẫn đầu về Chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2024
Chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2024 cho thấy Hà Nội tiếp tục là địa phương có điểm số cao nhất, xếp hạng 1, TP. Hồ Chí Minh xếp hạng 2 và Hải Phòng xếp hạng 3.
Chiều 30/12, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã công bố Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2024.
Theo kết quả phân tích, đánh giá PII 2024, Hà Nội tiếp tục là địa phương có điểm số cao nhất, xếp hạng 1. Theo Bộ KH&CN, thành công của Hà Nội không chỉ đến từ lợi thế tự nhiên và địa lý mà còn nhờ vào các chính sách tập trung phát triển khu công nghiệp, đầu tư cơ sở hạ tầng và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Trong bảng xếp hạng năm 2024, top 10 địa phương dẫn đầu gồm 9 địa phương đã nằm trong nhóm này năm 2023.
Trong đó, có 5 thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ) và 5 địa phương có nền công nghiệp, dịch vụ phát triển (Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên và Bắc Giang).
Đáng chú ý, Bắc Ninh rơi xuống vị trí thứ 11, nhường chỗ cho Bắc Giang - địa phương có sự bứt phá mạnh mẽ trong nhóm 11-30 của năm ngoái. Top 3 vị trí dẫn đầu không thay đổi với Hà Nội, TP HCM và Hải Phòng lần lượt chiếm các vị trí 1, 2 và 3.
Các địa phương khác trong nhóm này bao gồm Bà Rịa-Vũng Tàu (tăng từ hạng 7 lên hạng 4), Đà Nẵng (giảm từ hạng 4 xuống hạng 5), Quảng Ninh (tăng từ hạng 9 lên hạng 6), Cần Thơ (giảm từ hạng 5 xuống hạng 7), Bình Dương (giữ nguyên vị trí thứ 8), Thái Nguyên (tăng từ hạng 10 lên hạng 9) và Bắc Giang (tăng từ hạng 11 lên hạng 10).
Các địa phương có thứ hạng thay đổi đáng chú ý trong nhóm 11-30 bao gồm Đồng Tháp, Tiền Giang và Vĩnh Long, khi cả ba đều rơi xuống nhóm 31-50. Trong khi đó, 16 địa phương khác trong nhóm này vẫn giữ vị trí trong top 30 nhưng có sự thay đổi nhỏ về thứ hạng.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh cho biết, kết quả đánh giá cho thấy sự phù hợp, tương đồng giữa kết quả PII 2024 với thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Các địa phương thuộc nhóm dẫn đầu là các địa phương có điều kiện tự nhiên và địa lý thuận lợi (tập trung ở các vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng Sông Hồng), có ngành công nghiệp-xây dựng, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, tập trung nhiều khu công nghiệp, có cơ sở hạ tầng phát triển và có hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo mạnh mẽ.
Ngược lại, các địa phương thuộc nhóm cuối là các địa phương còn hạn chế trong phát triển kinh tế-xã hội, có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên chưa thuận lợi cho phát triển và ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo vào phát triển kinh tế-xã hội (tập trung ở các vùng Tây Nguyên và Trung du và miền núi phía Bắc).
Đây là năm thứ hai bộ chỉ số này được xây dựng, nhằm chấm điểm 63 tỉnh thành trên cả nước. PII được thiết kế nhằm đánh giá toàn diện và đầy đủ về hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại từng địa phương.
Huyền My (t/h)Từ ngày 02/01/2025, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội có thể sử dụng bản sao chứng thực điện tử để thực hiện dịch vụ công trực tuyến hoàn toàn đối với đa số các thủ tục hành chính đã được cung cấp trên môi trường điện tử.