Hà Nội dẫn đầu về thu hút FDI trong 5 tháng đầu năm 2023

Tài chính - Đầu tư
01:58 PM 29/05/2023

Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, toàn thành phố Hà Nội thu hút 1.864 triệu USD vốn FDI, trong đó: đăng ký cấp mới 146 dự án với số vốn đạt 48 triệu USD; 71 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 200 triệu USD; 141 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 1.616 triệu USD.

Theo báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023 của Cục Thống kê Hà Nội, trong tháng 5, thành phố Hà Nội thu hút gần 156,4 triệu USD, trong đó: 43 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 13,2 triệu USD; có 21 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký tăng thêm đạt 108 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần cổ phần 29 lượt, đạt 35,2 triệu USD. 

Hà Nội dẫn đầu thu hút FDI trong 5 tháng đầu năm 2023 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với 1.864 triệu USD, chiếm gần 17,2% tổng vốn FDI đăng ký cả nước và tăng gấp gần 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó: Đăng ký cấp mới 146 dự án với số vốn đạt 48 triệu USD; 71 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 200 triệu USD; 141 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 1.616 triệu USD (trong đó 1 lượt giao dịch của Nhà đầu tư Nhật Bản Sumitomo mua cổ phiếu của VPBank trên sàn giao dịch chứng khoán với giá trị giao dịch đạt 1.500 triệu USD).

Trong khi đó, Bắc Giang là địa phương xếp thứ hai với vốn đầu tư đăng ký hơn 1 tỷ USD, chiếm hơn 9,4% tổng vốn đầu tư FDI cả nước, tăng gấp gần 2,4 lần so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai...

Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư nước ngoài mới 5 tháng đầu năm tăng mạnh hơn so với mức tăng trong 4 tháng. Số dự án đầu tư mới tiếp tục tăng nhẹ 1,2 điểm phần trăm so với 4 tháng và tăng mạnh so với cùng kỳ với mức tăng 66,4%.

Tốc độ tăng số dự án mới lớn hơn tốc độ tăng tổng vốn đầu tư, điều đó cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, và đưa ra các quyết định đầu tư mới. Trong khi đó, các tập đoàn lớn hiện đang cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sẽ được áp dụng vào năm 2024.

Tính lũy kế đến ngày 20/5, cả nước có 37.238 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 447,67 tỷ USD.

Các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút ĐTNN (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư,…) như Hà Nội, Bắc Giang, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hải Phòng…

Trong 5 tháng đầu năm 2023, đã có 82 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 2,53 tỷ USD, chiếm hơn 23,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái; Nhật Bản đứng thứ hai với gần 2,1 tỷ USD, chiếm gần 19,1% tổng vốn đầu tư, gấp gần 2,2 lần so với cùng kỳ. Trung Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,61 tỷ USD, chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư, tăng 41,9% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Đài Loan, Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc...

Chia sẻ với báo chí, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung cũng thẳng thắn chỉ rõ, thu hút FDI của Hà Nội dù vẫn giữ đà tăng trưởng nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức.

Kể từ sau dịch Covid-19, đầu tư toàn cầu bị suy giảm mạnh. Bên cạnh đó, xung đột Nga - Ukraine kéo dài, kinh tế toàn cầu suy giảm, lạm phát tăng cao… làm giảm sút niềm tin kinh doanh và đầu tư, gây gián đoạn trong chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó tác động mạnh tới đà phục hồi FDI toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã có định hướng chọn lọc các dự án FDI kỹ càng hơn, nâng cao các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, giảm lượng khí thải để hướng tới phát triển bền vững và tuân thủ các cam kết chống biến đổi khí hậu, cũng phần nào tác động đến dòng vốn FDI.


Minh An
Ý kiến của bạn