Hà Nội: Dâng hương tưởng niệm Đức Thánh Tản Viên Sơn
Ngày 27/11 (tức ngày 4 tháng 11 năm Nhâm Dần), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đền Hạ (xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội) đã tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm ngày hóa của Đức Thánh Tản Viên Sơn và khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo đền Hạ.
Tham dự Lễ dâng hương có bà Phạm Thị Thanh Mai - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV TP. Hà Nội; ông Phạm Quí Tiên - Phó Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội; ông Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.
Di tích lịch sử văn hóa Đền Hạ nằm dưới chân núi Tản Viên, bên Sông Đà thuộc địa phận xã Thủ Pháp xưa (nay là xã Minh Quang - huyện Ba Vì).
Trong tâm thức dân gian của người dân xứ Đoài, đặc biệt là ở vùng núi Tản Ba Vì, núi Ba Vì là ngọn "chủ sơn" của nước Việt, là nơi phát tích của truyền thuyết về Sơn Tinh - Thủy Tinh, là nơi thờ Đức Thánh Tản – vị thần đứng đầu "Tứ bất tử" trong thần điện Việt.
Ngài không chỉ là thành hoàng bảo trợ cho làng xã mà còn được nhân dân tôn thờ là Phúc Thần, Thượng đẳng tối linh thần. Theo sách sử, Đức Thánh Tản là vị anh hùng trị thủy, anh hùng văn hóa, anh hùng dân tộc từ thủa mở mang bờ cõi. Ngài là nhân vật anh hùng sáng tạo văn hóa, tạo ra lửa, khơi nguồn nước cứu nạn dân chúng, dạy dân các nghề nghiệp khác nhau và được tôn thờ như một vị tổ sư bách nghệ.
Đền Hạ được xây dựng từ lâu và được trùng tu sửa chữa qua các triều đại Lý, Trần, Lê. Năm 1993, nhân dân địa phương và thập phương công đức xây mới đền Hạ bao gồm: Nghi môn, Tiền bái, Hậu cung, điện thờ Mẫu, điện thờ Hồ Chủ Tịch và một số công trình phụ phục vụ nhu cầu tín ngưỡng thờ Đức Thánh Tản.
Từ năm 2013, di tích lịch sử văn hoá đền Hạ từng bước được mở rộng, đầu tư xây dựng nhiều hạng mục công trình. Năm 2021, huyện Ba Vì chọn Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đền Hạ làm công trình chào mừng kỷ niệm 55 năm thành lập huyện, khởi công ngày 4/12/2021 gồm các hạng mục được phê duyệt với tổng dự toán đầu tư là 29 tỷ 960 triệu đồng gồm nhà mẫu, nhà tả hữu vu, nhà bia, nhà hòm đòn, nhà khách, nghi môn nội và điều chỉnh bổ sung bờ kè, bình phong, bãi xe, nhà dịch vụ, đồng thời Dự án được các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân phát tâm công đức xã hội hóa động ngũ dinh, hệ thống tượng, đồ thờ và hệ thống cây xanh.
Đọc diễn văn tưởng niệm ngày hóa của Đức Thánh Tản Viên Sơn, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết, Thánh Tản hóa Thánh vào ngày mùng 6 tháng 11 tại đỉnh núi Tản Viên, sau này nhân dân lập đền thờ tại di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Thượng. Trải qua hàng ngàn đời, việc thờ cúng, tế lễ để tưởng nhớ Đức Thánh Tản Viên Sơn đã ăn sâu vào đời sống nhân dân. Vào những ngày này, nhân dân các dân tộc khu vực núi Ba Vì thường tổ chức lễ hội, lễ dâng hương, dâng các sản vật do chính người dân làm ra lên Đức Thánh để tri ân công đức của Ngài và cầu cho mưa thuận, gió hòa, nhân cường, vật thịnh, dân sinh ấm no, gia đình hạnh phúc".
Qua đây, ông Đỗ Mạnh Hưng cũng đề nghị, Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đền Hạ cần có trách nhiệm triển khai có hiệu quả công tác quản lý, bảo quản, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của công trình. Đồng thời, tích cực, chủ động tham mưu, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích.
Hoàng ChiếnTối 15/11, tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt Xô, Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình "Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024" - Tôn vinh các điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.