Hà Nội đang là điểm đến hấp dẫn sau đại dịch
Theo báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tháng 9, 9 tháng của năm 2022 và nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2022 của Sở Du lịch Hà Nội, trong tháng 9-2022, Thủ đô Hà Nội ước đón khoảng 1,48 triệu lượt khách, trong đó lượng khách du lịch quốc tế ước đón 184,4 nghìn lượt khách, tăng 18% so với tháng 8-2022.
Nhiều hoạt động thu hút khách du lịch
Sau hơn 2 năm chịu tác động của dịch Covid-19, du lịch Hà Nội đã có dấu hiệu khởi sắc hơn khi nhiều sản phẩm du lịch mới thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch đã được hình thành, hâm nóng thị trường du lịch nội địa từ cuối năm 2021. Bước vào năm 2022, từ giữa tháng Hai, thành phố Hà Nội đã cho phép các điểm du lịch, di tích, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng hoạt động trở lại đón du khách trong dịp đầu năm mới Nhâm Dần. Cùng với việc mở cửa du lịch quốc tế và các hãng hàng không khôi phục nhiều đường bay quốc tế đã tạo điều kiện cho ngành Du lịch Thủ đô từng bước phục hồi và phát triển.
Với những dự báo lạc quan về tình hình kinh tế - xã hội, Sở Du lịch Hà Nội đã xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch năm 2022-2023, trong đó tập trung phát triển thị trường khách du lịch nội địa; đồng thời, tổ chức khai thác phục vụ khách du lịch quốc tế theo lộ trình mở cửa hoạt động du lịch quốc tế.Các đơn vị kinh doanh du lịch chủ động tìm kiếm thị trường khách mới để sẵn sàng phục hồi. Ngoài những sản phẩm mang tính đặc thù của Hà Nội, như: Tour xe đạp khám phá phố cổ, tour đi bộ "Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội" duy trì hằng tuần, các đơn vị còn xây dựng nhiều sản phẩm "độc, lạ" để hấp dẫn du khách như tour đi bộ "Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội" hay tour đêm Hỏa Lò "Đêm linh thiêng sáng ngời tinh thần Việt"…
Theo bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội: "Trước mắt, Sở Du lịch Hà Nội sẽ đẩy mạnh quảng bá trên các phương tiện truyền thông để thu hút khách; đôn đốc các đơn vị nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di sản - di tích, làng nghề; triển khai các hoạt động, sự kiện, lễ hội chuyên nghiệp mang đậm bản sắc văn hóa Thủ đô, hướng đến hội nhập quốc tế".
Đến thời điểm này, với thông điệp"Hà Nội - đến để yêu", lượng khách du lịch đến Hà Nội có tín hiệu khởi sắc trở lại. Phải nói rằng, dịch Covid-19 tạo ra một cuộc khủng hoảng lớn trên toàn cầu, tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực, gây thiệt hại nặng nề tới nền kinh tế, trong đó có du lịch. Nhưng nhìn ở góc độ tích cực, đại dịch này cũng tạo ra một "cuộc cách mạng" lớn, buộc các đơn vị phải tích cực chuyển đổi, sáng tạo. Du lịch Hà Nội đã có sự vận động mạnh mẽ, được chứng minh ở sự chuyển mình với nhiều mô hình du lịch mới được hình thành ngay trong mùa dịch. Điều này góp phần tô đậm hơn bản sắc du lịch Hà Nội, định vị rõ ràng hơn thương hiệu: Du lịch Hà Nội - Du lịch của văn hoá và di sản, khẳng định Hà Nội, Việt Nam tiếp tục là điểm đến an toàn, hấp dẫn.
Du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô
Theo đó, kế hoạch số 191/KH-UBND ngày 30/9/2020 về việc thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn Thành phố Hà Nội nhằm mục đích tổ chức triển khai đồng bộ, có hiệu quả Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.
Đến năm 2025, Hà Nội phát triển du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành và lĩnh vực khác; là ngành dịch vụ hiện đại, chuyên nghiệp, có chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh cao; chủ động nắm bắt xu hướng phát triển và hội nhập quốc tế; áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại và nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao làm nhân tố đột phá để phát triển du lịch.
Phấn đấu đến năm 2025, Thủ đô Hà Nội đón và phục vụ từ 35 - 39 triệu lượt khách du lịch trong đó có từ 8 - 9 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 151 nghìn tỷ đồng.
Đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố Hà Nội. Dự kiến năm 2030, Thủ đô Hà Nội đón và phục vụ 48 - 49 triệu lượt khách du lịch trong đó có từ 13 - 14 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng từ 270 - 300 nghìn tỷ đồng.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, Hà Nội cũng đẩy mạnh một số nội dung trọng tâm nhằm thu hút quảng bá du lịch Hà Nội sâu rộng. Đặc biệt, thu hút đầu tư dự án theo mô hình khách sạn - trường học để tăng cường số lượng, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu tăng trưởng lĩnh vực lưu trú du lịch trên địa bàn Thủ đô; dự án Trung tâm mua sắm dành cho khách du lịch (Outlet); dự án điểm trung chuyển khách phục vụ du lịch..., tổ chức triển khai hiệu quả các tuyến xe buýt kết nối từ trung tâm Thành phố tới các khu, điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn.
Xây dựng khu, điểm du lịch chất lượng cao để nhân rộng mô hình hoạt động. Cụ thể gồm các điểm đến sản phẩm du lịch: khu vực trung tâm chính trị Ba Đình (gồm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh, công viên Bách Thảo) gắn với khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám; khu vực phố cổ, phố cũ, hồ Hoàn Kiếm; khu vực hồ Tây và phụ cận; khu di tích Cổ Loa, múa rối nước Đào Thục; di tích đền Hai Bà Trưng; khu du lịch núi Sóc; chùa Hương, khu vực Ba Vì, làng cổ ở Đường Lâm, chùa Thầy, chùa Tây Phương…; làng nghề gốm sứ Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc, sơn mài Hạ Thái, du lịch cộng đồng, du lịch kết nối giữa phố nghề, làng nghề truyền thống với các điểm tham quan du lịch khác…
Phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch mới như du lịch y tế chăm sóc sức khỏe, du lịch nông nghiệp cộng đồng, du lịch giáo dục, trải nghiệm dành cho học sinh. Tổ chức thí điểm phát triển kinh tế đêm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và các khu vực có đủ điều kiện để thúc đẩy tăng trưởng du lịch
Trương HưngNgày 20/12, tại Khu đô thị Park City Hà Đông, đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông), Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP Hà Nội khai mạc Tuần hàng Việt "Made in Vietnam 2024".