Hà Nội đang xây dựng đề án thu phí vỉa hè trong tháng 1/2024

Địa phương
03:49 PM 25/12/2023

Dự kiến tháng 1/2024, Hà Nội sẽ xem xét đề án quản lý lòng đường, vỉa hè đối với các tuyến phố đủ điều kiện để cho thuê khai thác thương mại, dịch vụ.

Tại phiên họp chuyên đề của HĐND thành phố Hà Nội mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, các đơn vị chuyên môn đang xây dựng đề án quản lý lòng đường, vỉa hè.

"Dự kiến việc quản lý lòng đường, vỉa hè gắn với nghiên cứu định hướng thiết kế đô thị. Trong đó sẽ phân thành các khu vực nội đô lịch sử, trung tâm nội thành, vành đai 1, 2, 3 hay các vành đai 2, 5, 3 để ra từng khu vực, từng quận huyện", ông Tuấn nói.

UBND thành phố Hà Nội sẽ xem xét đề án quản lý lòng đường, vỉa hè vào tháng 1/2024. Hiện, một số quận của Hà Nội đã đề xuất các tuyến phố có đủ điều kiện hạ tầng để thí điểm cho thuê vỉa hè.

Hà Nội đang xây dựng đề án thu phí vỉa hè trong tháng 1/2024- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Dẫn thực tế ở TPHCM đã có quy định thu phí vỉa hè, ông Tuấn cho biết Hà Nội định hướng những vỉa hè đủ điều kiện ở các khu phát triển du lịch, văn hóa có thể được cho thuê khai thác thương mại, dịch vụ du lịch.

Hiện một số quận ở Hà Nội đã đề xuất các tuyến phố có đủ điều kiện hạ tầng để thí điểm cho thuê vỉa hè. Trong đó, quận Hoàn Kiếm đề xuất thí điểm giai đoạn một cho thuê kinh doanh ở 10 tuyến phố với 36 vị trí.

Cụ thể, 15 vị trí trên 5 tuyến phố trong không gian đi bộ gồm: Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Hàng Bài, Nguyễn Xí, Lê Thái Tổ. Thời gian cho thuê trong khung giờ hoạt động của không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.

21 vị trí trên 5 tuyến phố ngoài không gian đi bộ gồm: Lý Thường Kiệt, Phan Chu Trinh, Bà Triệu, Lê Phụng Hiểu, Ngô Quyền. Diện tích dự kiến cho thuê để sử dụng tạm thời tính từ mặt nhà ra 2 m và chỉ cho chủ nhà mặt phố tại vị trí trên thuê để kinh doanh mặt hàng đang kinh doanh. Thời gian cho thuê là tất cả ngày trong tuần.

Sau thời gian thí điểm, quận Hoàn Kiếm dự kiến đề xuất bổ sung một số tuyến phố giáp chợ, không phải trục giao thông chính và có hè rộng từ 3 m trở lên tại khu vực phố cổ. Các hộ kinh doanh mặt phố được thuê bề rộng 1m, ngang bằng mặt nhà và phải đảm bảo lối đi cho người đi bộ. Đối với những nơi chưa có cửa hàng kinh doanh thì chưa cho thuê vỉa hè.

Được biết, theo chủ trương của thành phố, Hoàn Kiếm hiện cũng là quận duy nhất của Hà Nội cho thuê vỉa hè để kinh doanh từ năm 2021. Trong đó, đã có 5 tuyến phố thuộc quận Hoàn Kiếm được thí điểm cho phép sử dụng vỉa hè để kinh doanh với giá thuê là 45.000 đồng/m2 một tháng. 5 tuyến phố này gồm: Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Phùng Hưng (đoạn từ Lê Văn Linh đến Hàng Vải, Nguyễn Quang Bích đến nhà vệ sinh công cộng gần Cửa Đông), Lê Phụng Hiểu. Thời gian hoạt động từ 6h ngày hôm trước đến 2h sáng ngày hôm sau, riêng phố Phùng Hưng từ 6h đến 22h. Các địa điểm cho thuê giới thiệu, quảng bá sản phẩm (chủ yếu là cà phê, giải khát, đồ ăn nhanh...) tại 94 Lý Thường Kiệt, 30 Lý Thường Kiệt, 11 Lê Phụng Hiểu...

Tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 14, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho rằng: Trật tự vỉa hè là "cả một vấn đề rất phức tạp". Mỗi đợt ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ thì có cải thiện, sau đó "đâu lại vào đó".

Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho rằng, phải giải quyết đồng bộ nhiều vấn đề. Trong đó, phải giải được các câu hỏi bến đỗ xe, tuyến đỗ xe thế nào. Đồng thời, phải giải quyết được bài toán kinh tế của các hộ dân với việc đảm bảo trật tự văn minh đô thị, đảm bảo hài hòa lợi ích.

Ngô Huy
Ý kiến của bạn