Hà Nội: Dành hơn 552 tỷ đồng thăm, tặng quà các đối tượng chính sách dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn
Theo Văn phòng UBND TP. Hà Nội, nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, UBND thành phố dự kiến dành hơn 1 triệu suất quà, với tổng kinh phí hơn 552 tỷ đồng, để tặng các đối tượng hưởng chính sách, người có công.
Theo Văn phòng UBND TP. Hà Nội, thành phố dự kiến dành trên 1 triệu suất quà, với tổng kinh phí trên 552 tỷ đồng tặng các đối tượng hưởng chính sách, người có công; người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; hộ nghèo; hộ cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội; người cao tuổi; công nhân viên chức lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; nữ cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn; thăm hỏi tặng quà các tổ chức, cá nhân tiêu biểu, đơn vị thực hiện chính sách nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Kế hoạch nhằm tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác chăm lo Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, đảm bảo mục tiêu quan tâm tốt hơn đến đời sống, vật chất tinh thần người hưởng chính sách thuộc lĩnh vực người có công; gia đình diện hộ nghèo; hộ cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội; người cao tuổi; người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; các tổ chức, cá nhân tiêu biểu; cán bộ trực Tết Nguyên đán và đối tượng tại các Trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, chữa trị tập trung trực thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Bệnh viện 09 - Sở Y tế, đảm bảo chính sách an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.
UBND thành phố yêu cầu thực hiện tốt việc thăm hỏi, tặng quà đảm bảo đúng đối tượng, đầy đủ chế độ chính sách, kịp thời theo quy định tài chính hiện hành; Huy động tối đa các nguồn lực xã hội với nhiều hình thức đa dạng, phong phú mang lại hiệu quả thiết thực nhằm chăm lo tốt hơn đối với đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo mọi người dân đều có Tết.
Theo đó, mức quà tặng dành cho cá nhân từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng/người đối với các đối tượng như: Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh, thương binh loại B, người hưởng chính sách như thương binh tổn thương cơ thể từ 21% trở lên; bệnh binh tổn thương cơ thể từ 41% trở lên; thương bệnh binh của thành phố Hà Nội hiện đang được nuôi dưỡng tại 7 trung tâm thuộc các tỉnh liền kề; người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945;
Người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng trợ cấp hằng tháng; thanh niên xung phong đang hưởng trợ cấp hằng tháng; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; Nữ cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn,…
Mức quà tặng 300.000 đồng/người đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; đối tượng Bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng. Mức quà 500.000 đồng/hộ đối với hộ nghèo; 300.000 đồng/hộ đối với hộ cận nghèo.
Mức quà tặng cho 86 đơn vị, mỗi suất quà trị giá từ 6.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng; Tặng 150 suất quà cá nhân tiêu biểu, mỗi suất 6.000.000 đồng. Tặng quà 500.000 đồng/người để bồi dưỡng cho cán bộ công nhân viên phục vụ trực tiếp; bổ sung thêm tiền ăn cho các đối tượng đang được chữa trị, nuôi dưỡng tập trung trong các ngày Tết tại các Trung tâm chữa trị và nuôi dưỡng đối tượng xã hội tập trung trực thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Bệnh viện 09 - Sở Y tế.
Cùng với đó, thành phố cũng tặng quà chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi với các mức từ 700.000 đồng đến 1.500.0000 đồng/người.
Ngoài quà tặng của thành phố, các địa phương tùy vào điều kiện và khả năng thực tế có thể có các cơ chế chính sách hỗ trợ các gia đình chính sách xã hội khó khăn trên địa bàn quản lý, bảo đảm các đối tượng đều có Tết.
Ngô HuyNgành nông nghiệp đặt mục tiêu năm 2025, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,3 - 3,4%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 64- 65 tỷ USD.