Hà Nội: Dành nguồn lực để hoàn thành xây dựng NTM vào năm 2025

Địa phương
10:22 AM 28/11/2023

Hà Nội luôn xác định Chương trình xây dựng nông thôn mới có tầm quan trọng, ý nghĩa to lớn. Phát huy những kết quả đạt được, Hà Nội đẩy mạnh thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2025.

Xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới tăng cao

Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình 04-CTr/TU đến quý III năm 2023, nhiệm vụ, giải pháp 3 tháng cuối năm 2023, đồng chí Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố cho biết, đến nay thành phố có 16/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 6 huyện phấn đấu đạt nông thôn mới nâng cao gồm: Gia Lâm, Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Thanh Oai; có 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Hà Nội: Dành nguồn lực để hoàn thành xây dựng NTM vào năm 2025- Ảnh 1.

Hà Nội tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2025. Ảnh: Internet

Để đạt được mục tiêu Hà Nội đến năm 2025 hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp thành phố, đồng chí Nguyễn Xuân Đại chia sẻ, Hà Nội cần có 100% số huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới, 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, việc triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố đạt kết quả khả quan.

Đối với yêu cầu 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới, đến nay, Hà Nội đã có 17/18 huyện, thị xã được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Về chỉ tiêu có 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, hiện có 6 huyện phấn đấu đạt nông thôn mới nâng cao, gồm: Gia Lâm, Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Thanh Oai. Trong đó, có 3 huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì đã được Đoàn thẩm định thành phố thẩm định đủ điều kiện đề nghị các cấp công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Các huyện như Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai đang tập trung hoàn thiện hồ sơ và các chỉ tiêu để hoàn thành hồ sơ trong các tháng cuối năm 2023 và quý I năm 2024.

Còn đối với chỉ tiêu 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% số xã nông thôn mới kiểu mẫu, đến hết năm 2022, thành phố có 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2023, thành phố giao các huyện, thị xã hoàn thành 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố đang tập trung đánh giá tại các địa phương, dự kiến hoàn thành kế hoạch đề ra.

Điển hình, vừa qua thành phố Hà Nội đã hoàn thành thẩm định nông thôn mới kiểu mẫu tại 8 xã của huyện Thanh Trì. Tất cả các xã đều đủ điều kiện để trình Hội đồng thẩm định thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023. Đặc biệt, có 2 xã Yên Mỹ và xã Đại Áng chọn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện 8/8 lĩnh vực gồm môi trường, y tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, du lịch, chuyển đổi số, an ninh trật tự, sản xuất. Đây là 2 xã đầu tiên của Hà Nội đạt kiểu mẫu toàn diện.

Hà Nội: Dành nguồn lực để hoàn thành xây dựng NTM vào năm 2025- Ảnh 2.

Những cung đường nông thôn đẹp như tranh vẽ tại huyện Thanh Trì. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí

Theo đánh giá giữa nhiệm kỳ 2021-2025 của Thành ủy Hà Nội, trong quá trình triển khai, tổng kết đánh giá chương trình nông thôn mới thời gian qua còn nhiều hạn chế, trong việc đầu tư hạ tầng sản xuất, quy hoạch, quản lý đất đai, môi trường, thu gom rác thải, nước sạch nông thôn... Từ thực tế đó, Thành ủy Hà Nội đề ra 14 nhiệm vụ, giải pháp lớn phát triển nông thôn mới đến năm 2025.

Trong đó, tập trung và ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu về đích theo đúng kế hoạch.

Đồng thời, tăng cường và nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, đảm bảo đa dạng, thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, nhằm huy động nội lực, khơi dậy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và sự đồng thuận trong nhân dân.

Mặt khác, quán triệt chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân giám sát, dân thụ hưởng".

Ngoài ra, đẩy mạnh Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" và phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới;" tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động tuyên truyền xây dựng nông thôn mới để nâng cao hiệu quả, tiến độ đề ra.

Chỉ đạo tại hội nghị giao ban quý III của Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025" của Thành ủy Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, trong năm 2024, TP cần tập trung mọi nguồn lực nhằm hoàn thiện hết các mục tiêu xây dựng NTM và xây dựng NTM nâng cao.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cân đối nguồn lực, ưu tiên cho các nhóm vấn đề liên quan đến Chương trình 04-CTr/TU nhằm hỗ trợ các huyện hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.

Ngọc Mỹ
Ý kiến của bạn
Tăng trưởng GRDP vùng Trung du và miền núi phía Bắc đạt 9,1% Tăng trưởng GRDP vùng Trung du và miền núi phía Bắc đạt 9,1%

Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi Bắc bộ lần thứ 4, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm cho biết, tăng trưởng GRDP của Vùng năm 2024 ước đạt 9,11%, cao hơn bình quân chung cả nước (ước đạt 6,8%-7%) và là vùng cao nhất cả nước.