Hà Nội đạt kết quả ấn tượng trong chương trình xây dựng nông thôn mới
Hiện nay, Hà Nội đã huy động hơn 10.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới với 12/18 huyện, thị xã đạt chuẩn. Đồng thời, Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2021 thu nhập người dân nông thôn đạt 60 triệu đồng/người/năm.
Đến hết quý II/2021, Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025" đã đạt được những kết quả ấn tượng.
Huy động được hơn 10.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới
Kết thúc quý II/2021, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới là 10.547,02 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố đạt 4.937,75 tỷ đồng (chiếm 46,8%). Ngân sách huyện đạt 4.765,4 tỷ đồng (chiếm 45,18%). Ngân sách xã đạt 372,07 tỷ đồng (chiếm 3,53%). Đồng thời, vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước đạt 471,8 tỷ đồng (chiếm 4,49%), gồm dân đóng góp 116,1 tỷ triệu đồng, vốn doanh nghiệp HTX (hợp tác xã) 235,97 tỷ đồng, vốn khác 119,7 tỷ đồng.
Đến nay, thành phố Hà Nội có 12/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm, Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn và Sơn Tây.
Về xây dựng xã nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, Hà Nội có 368/382 xã (chiếm 96,3%) đạt chuẩn nông thôn mới, 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó huyện Đan Phượng đã hoàn thành 100% xã nông thôn mới nâng cao, đang phấn đấu huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2021.
Với nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Hà Nội đã gieo trồng được 85,1 nghìn ha lúa, bằng 97,9% cùng kỳ năm trước; 9.778,9 ha ngô, bằng 94,6%; 1.376,1 ha khoai lang... Đồng thời, diện tích cây lâu năm ước đạt 23.548,46 ha, bằng 101,68% so với cùng kỳ. Thành phố Hà Nội hiện có 141 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Trong chăn nuôi, hiện có 27 nghìn con trâu, 130,4 nghìn con bò, 39,8 triệu con gia cầm, 1,337 triệu con lợn... Hà Nội có 141 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thành phố Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và công nhận được 1.054 sản phẩm OCOP...
Tình hình nuôi trồng thủy sản theo phương thức thâm canh và sử dụng con giống có sản lượng cao hơn so với nuôi trồng truyền thống. Đồng thời, hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025, đến nay, thành phố đã trồng được 294.065/436.400 cây xanh, đạt 67,38%. Làm tốt công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện quản lý bảo vệ rừng.
Đối với phát triển kinh tế nông thôn, đến nay, Hà Nội có 1.255 HTX nông nghiệp (trong đó có 87,4% số hợp tác xã đang hoạt động); 1.558 trang trại; 1.350 làng nghề; 70 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, tổng diện tích theo quy hoạch là 1.686ha.
Nhờ vậy, đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt 55 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn toàn thành phố đạt 90,1%. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm xuống còn dưới 0,37%, đặc biệt có 4 huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh và Hoài Đức không còn hộ nghèo.
Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, thành phố đã tiếp nhận và giải quyết 12,1 nghìn hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân người có công với kinh phí thực hiện trên 68,5 tỷ đồng. Đồng thời, hỗ trợ cho 515,5 nghìn người gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 với tổng số tiền là 608,5 tỷ đồng.
Tiếp tục xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021
Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện các nội dung, nhiệm vụ Chương trình 04 của Thành ủy bảo đảm chất lượng và tiến độ theo yêu cầu; ban hành Kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình số 04 của Thành ủy; xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng tiêu chí đô thị; ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025.
Đối với các huyện, thị xã, cần ban hành Chương trình, Kế hoạch thực hiện Chương trình 04/CTr-TU của Thành ủy giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch thực hiện hằng năm nhằm bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu, chương trình trên các lĩnh vực: Xây dựng nông thôn mới, cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nông dân.
Các quận tiếp tục nghiên cứu, quan tâm hỗ trợ các huyện xây dựng nông thôn mới theo quy định, đặc biệt là các huyện còn nhiều khó khăn như: Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, các huyện phấn đấu hoàn thành huyện nông thôn mới năm 2021 và năm 2022.
Đối với công tác tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, cần tiếp tục củng cố, kiện toàn, đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại; nghiên cứu xây dựng chính sách, tạo điều kiện hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã, trang trại; thực hiện quy hoạch phát triển làng nghề, ngành nghề, các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ nông thôn, đáp ứng nhu cầu trong sản xuất, kinh doanh và xúc tiến thương mại, làng nghề có thế mạnh phát triển kết hợp du lịch nông thôn; đẩy mạnh thực hiện Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.
Trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, cần bảo đảm các phương án sản xuất nông nghiệp, không để đứt gãy các chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm ổn định lương thực, thực phẩm để cung cấp cho người dân trên địa bàn thành phố.
Lê TuấnCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.