Hà Nội: Đặt mục tiêu 100% chợ được giám sát, kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm
TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2022-2025” trong đó đặt mục tiêu, đến hết tháng 12/2022, 100% chợ được giám sát, lấy mẫu kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm.
Kế hoạch nhằm tăng cường công tác an toàn thực phẩm (ATTP) tại các chợ để cung ứng nguồn thực phẩm đạt yêu cầu về chất lượng, ATTP, đảm bảo quyền lợi và giúp người tiêu dùng dễ nhận biết và có sự lựa chọn phù hợp các sản phẩm thực phẩm; tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động quản lý, kinh doanh của đơn vị quản lý chợ, hoạt động chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của các ngành chức năng.
Quản lý, phát triển hệ thống chợ trên địa bàn hành phố theo hướng văn minh thương mại, đảm bảo ATTP, phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường; đẩy mạnh đầu tư, trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị, điều kiện cơ sở vật chất cho công tác quản lý ATTP tại các chợ trên địa bàn thành phố.
Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu, đến hết tháng 12/2022, 100% đơn vị quản lý chợ, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cố định tại chợ (gọi tắt là cơ sở) được tuyên truyền, phổ biến, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; 100% đơn vị quản lý chợ xây dựng, ban hành quy chế về quản lý bảo đảm an toàn thực phẩm; 100% chợ được giám sát, lấy mẫu kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm. Tối thiểu 50% chợ đang hoạt động được nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, đầu tư, đáp ứng các tiêu chí chợ bảo đảm an toàn thực phẩm, văn minh thương mại.
Toàn thành phố Hà Nội phấn đấu đến hết tháng 12/2024, có 100% các chợ được giám sát, lấy mẫu kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm. Tỷ lệ thực phẩm được giám sát, lấy mẫu tại các chợ vi phạm quy định về an toàn thực phẩm giảm 70% so với thời điểm chưa thực hiện đề án.
Tối thiểu 80% chợ đang hoạt động được nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, đầu tư và 100% chợ xây dựng mới đáp ứng các tiêu chí chợ bảo đảm an toàn thực phẩm, văn minh thương mại.
Đến hết tháng 12/2025, có 100% cơ sở kinh doanh thực phẩm tại các chợ trên địa bàn đáp ứng yêu cầu đề án trên và được cấp biển nhận diện cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn.
100% chợ đang hoạt động được nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, đầu tư; 100% chợ xây dựng mới đáp ứng tiêu chí chợ bảo đảm an toàn thực phẩm, văn minh thương mại. 100% chợ được giám sát, lấy mẫu kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm và cơ bản đáp ứng quy định pháp luật về an toàn thực phẩm.
UBND Thành phố giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thường xuyên nắm bắt các khó khăn, vướng mắc; kiểm tra, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm, các sự kiện kết nối cung cầu, hướng dẫn về các trang thiết bị kinh doanh, bảo quản thực phẩm, cấp biển nhận diện cho các cơ sở đáp ứng yêu cầu của đề án.
Các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, rà soát, theo dõi việc thực hiện các giấy tờ, thủ tục pháp lý liên quan đến kinh doanh thực phẩm, chấp hành các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và nội quy chợ của các cơ sở kinh doanh trong chợ phục vụ công tác cấp/ thu hồi biển nhận diện theo quy định.
Về nguồn kinh phí thực hiện:
Nguồn ngân sách thành phố theo dự toán ngân sách thực hiện nhiệm vụ được giao cho các sở, ban, ngành Thành phố và Ngân sách các cấp phân bổ công tác đầu tư, cải tạo, nâng cấp chợ hàng năm theo quy định; nguồn kinh phí tính theo dân số toàn thành phố chi cho hoạt động an toàn thực phẩm.
Nguồn vốn xã hội hóa: Gồm vốn của doanh nghiệp, vốn của các hộ kinh doanh, vốn tín dụng và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Nguồn viện trợ, tài trợ (nếu có)
Các sở, ngành, UBND cấp huyện/xã căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch lập dự toán kinh phí thực hiện hàng năm, gửi Sở Tài chính/cơ quan tài chính cùng cấp tổng hợp, cân đối, bố trí kinh phí đảm bảo thực hiện tốt Đề án.
HM (t/h)VNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.