Hà Nội: Đặt mục tiêu 100% di tích được số hóa vào năm 2025
Việc ứng dụng công nghệ số nhằm hỗ trợ nâng cao trải nghiệm của khách tham quan tại di tích, bảo tàng, điểm tham quan du lịch đồng thời cập nhật đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa.
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 294/KH-UBND ngày 11/10/2024 về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Thành phố đến năm 2025 và các năm tiếp theo.
Kế hoạch nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, các công trình có giá trị tiêu biểu của Thủ đô, có ý nghĩa chính trị, văn hóa, lịch sử, truyền thống đặc sắc, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô vì sự phát triển bền vững của đất nước.
Theo đó, Kế hoạch đề ra nhiều nội dung thực hiện quan trọng. Trước tiên, thành phố sẽ tiến hành lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích quốc gia đặc biệt, cụm di tích quốc gia, di tích cấp thành phố đã được xếp hạng. Đồng thời, trong giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội dự kiến thực hiện tu bổ, tôn tạo 579 dự án di tích lịch sử - văn hóa với tổng kinh phí lên đến 14.029 tỷ đồng.
Một điểm đáng chú ý của Kế hoạch là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý di sản văn hóa. Mục tiêu đặt ra là đảm bảo 100% di tích được số hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý và quảng bá di sản.
Để thực hiện thành công kế hoạch, Hà Nội đề ra nhiều giải pháp. Thành phố sẽ tăng cường phổ biến, nâng cao nhận thức và pháp luật về di sản văn hóa. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong công tác bảo tồn di sản. Việc thực hiện cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ việc sử dụng nguồn lực cũng được đặc biệt chú trọng...
Chính quyền Hà Nội yêu cầu các đơn vị phải tư liệu hóa, số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu thành phố về di sản văn hóa; ứng dụng công nghệ số hỗ trợ nâng cao trải nghiệm của khách tham quan tại di tích, bảo tàng, điểm tham quan du lịch; cập nhật với cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa.
UBND thành phố yêu cầu các đơn vị liên quan xây dựng khung ý tưởng, xác lập bộ tiêu chí tạo lập cơ sở dữ liệu; số hóa 360° cảnh quan, kiến trúc và không gian di tích; số hóa 2D và nhập liệu toàn bộ hồ sơ di tích, di sản Hán Nôm tại di tích, tài liệu lưu trữ liên quan tới di tích; thiết kế hệ thống, thiết kế giao diện website và app; lập trình các tính năng nhà quản trị; số hóa 3D di sản vật thể tiêu biểu, số hóa di sản phi vật thể; biên soạn thuyết minh hiện vật: dịch thuật và chú thích hiện vật có chữ Hán Nôm; nghiên cứu và viết thuyết minh hiện vật, di tích...
Xây dựng phương án quản lý dữ liệu theo hướng tiếp cận quản trị số. Từng bước xây dựng kết cấu mạng lưới quản trị di tích; xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu hỗn hợp; phân cấp quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu; kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu với các bảo tàng, thư viện ở Việt Nam và thế giới…
Hà Nội cũng sẽ số hóa toàn diện di tích bao gồm hiện vật, cảnh quan, kiến trúc, bi kí, thư tịch, lễ hội, hồ sơ di tích, các văn bản pháp luật liên quan đến việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong công tác quản lý Nhà nước về di sản. Thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia; tuyên truyền, quảng bá hình ảnh di sản văn hóa Thủ đô trong và ngoài nước; đặc biệt là các địa phương có di sản đặc trưng, tiêu biểu mang dấu ấn lịch sử, phản ánh quá trình hình thành và phát triển của Thủ đô.
Với kế hoạch toàn diện và chi tiết này, Hà Nội đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tạo động lực cho sự phát triển bền vững của Thủ đô trong tương lai.
An MaiTheo Bộ Công Thương, dự kiến sức mua năm nay có thể tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cũng được các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị từ rất sớm với lượng hàng dự trữ tăng từ 10-25% so với cùng kỳ.