Hà Nội đặt mục tiêu tăng thêm 130 trường công lập đạt chuẩn quốc gia

Địa phương
07:16 PM 27/06/2023

Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu trong năm 2023 công nhận mới tăng thêm 130 trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Trong đó, cấp mầm non có 46 trường; cấp tiểu học 53 trường; cấp trung học cơ sở 28 trường; 3 trường cấp trung học phổ thông.

Mới đây, UBND TP.Hà Nội vừa ban hành kế hoạch xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia thành phố Hà Nội năm 2023.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, toàn thành phố phấn đấu tỉ lệ trường công lập các cấp đạt chuẩn quốc gia từ 80-85%, cùng với đó tiếp tục duy trì, giữ vững nâng cao chất lượng các trường đã đạt chuẩn quốc gia, đảm bảo công nhận lại các trường đạt chuẩn quốc gia đến hạn công nhận lại.

Phấn đấu năm 2023 công nhận mới tăng thêm 130 trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Trong đó, cấp mầm non 46 trường, cấp tiểu học 53 trường, cấp trung học cơ sở 28 trường, 3 trường cấp trung học phổ thông.

Theo kế hoạch, số trường công lập đạt chuẩn quốc gia đến hết năm 2023 là 1.730 trường (dự kiến số trường công lập mới tăng thêm là 42 trường). Tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đến hết năm 2023 là 75,5% (1730/2.291), năm 2022 là 72,4%.

Hà Nội đặt mục tiêu tăng thêm 130 trường công lập đạt chuẩn quốc gia - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, Hà Nội sẽ xây dựng và cập nhật quy hoạch mạng lưới trường học vào quy hoạch Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tham mưu xây dựng trường học công lập các cấp nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân và đảm bảo công tác phổ cập giáo dục theo quy định.

Bên cạnh đó, đảm bảo quỹ đất để xây dựng trường học, lớp học các cấp học phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cần ưu tiên nguồn kinh phí đầu tư công giai đoạn 2022-2025 để xây dựng mới, cải tạo trường, lớp học tại các điểm quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và trên các địa bàn thiếu trường, lớp học; xây dựng kế hoạch đầu tư trường đạt chuẩn quốc gia, gắn với đầu tư công giai đoạn 2022-2025 và giải quyết tình trạng thiếu trường học, lớp học.

Ngân sách thành phố, ngân sách các quận, huyện, thị xã ưu tiên mua sắm trang thiết bị dạy học các cấp, đảm bảo mua sắm thiết bị tối thiểu theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Kế hoạch nêu rõ, các cơ sở giáo dục cân đối nguồn ngân sách, chủ động mua sắm bổ sung sách, học liệu cho thư viện trường học theo chương trình đổi mới, đảm bảo cho giáo viên, học sinh tham khảo, dạy và học, hàng năm bổ sung sách và học liệu theo lộ trình, đáp ứng đủ cơ số, đảm bảo thư viện đạt chuẩn theo quy định.

Để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo toàn diện, UBND thành phố yêu cầu các đơn vị tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, nâng cao hiệu quả tổ chức các hoạt động giáo dục gần với thực tiễn và nghiên cứu khoa học, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học.

Cần nghiên cứu triển khai các giải pháp kịp thời, hiệu quả nhằm duy trì sĩ số học sinh trên lớp, số lớp trên trường theo quy định của trường học đạt chuẩn quốc gia các cấp học, gắn với việc duy trì và phát huy chất lượng phổ cập giáo dục ở các cấp học theo quy định của Bộ GD&ĐT.

UBND thành phố cũng giao các quận, huyện, thị xã, Sở GD&ĐT rà soát, đánh giá số lượng, chất lượng, cơ cấu đội ngũ giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý giáo dục theo quy định của trường đạt chuẩn quốc gia đối với từng cấp học; Có kế hoạch tuyển dụng, sắp xếp đội ngũ đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu bộ môn, đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ,...

Ngọc Mỹ
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.