Hà Nội: Đẩy mạnh hoạt động xây dựng chợ hiện đại, văn minh
Sở Công Thương sẽ phối hợp với các Sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân (UBND) các xã kiên quyết xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm, đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xây dựng hệ thống chợ hiện đại, văn minh.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, TP Hà Nội hiện có 457 chợ, bao gồm các hạng từ 1 - 3. Hệ thống chợ truyền thống đảm nhận khoảng 40% nhu cầu mua sắm của người dân các quận nội thành; ở khu vực ngoại thành là khoảng 70%.

Buôn bán tại chợ cóc trong khu tập thể Nam Đồng (Phường Đống Đa). Ảnh: Hoài Nam
Trong tổng số 457 chợ, có 2 chợ đầu mối (chợ đầu mối Minh Khai; chợ đầu mối phía Nam) và 5 chợ đang hoạt động có tính chất đầu mối (chợ Long Biên có tính chất đầu mối hoa quả và rau các loại; chợ cá Yên Sở có tính chất đầu mối thủy sản; chợ gia cầm Hà Vĩ có tính chất đầu mối gia cầm, thủy cầm; chợ Nành có tính chất đầu mối vải vóc, quần áo; chợ hoa Quảng An có tính chất đầu mối hoa).
Tuy nhiên, hiện nhiều chợ đang xuống cấp, điều này khiến người dân nhất là các khu đô thị mới không muốn đi chợ này thay vào đó là những ngôi chợ tạm, “chợ cóc” tràn lan nơi rìa đường.
Trên địa bàn Hà Nội đang tồn tại 85 chợ “cóc”, chợ tạm. Đây là những điểm kinh doanh tự phát, vi phạm công tác quản lý Nhà nước về trật tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm… Theo phân cấp, trách nhiệm giải tỏa các chợ không phù hợp quy hoạch, điểm kinh doanh tự phát, đảm bảo an ninh trật tự, văn minh đô thị thuộc thẩm quyền của chính quyền cấp cơ sở.
Do đó, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác chuyên môn 6 tháng đầu năm và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc liên quan của Sở Công Thương Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu các quận huyện phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội đẩy mạnh hoạt động nâng cấp cải tạo chợ theo hướng trở thành chợ đầu mối phân phối hàng hóa.
Sở Công Thương phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND các xã trong năm 2025 kiên quyết xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm, yêu cầu các địa phương “vào cuộc” trong việc xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xây dựng hệ thống chợ hiện đại theo chương trình 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025.
Giám đốc Sở Công Thương Võ Nguyên Phong cũng đề xuất 4 nhóm giải pháp chính. Trong đó, nhấn mạnh, UBND các phường, xã cần lập kế hoạch, phương án thực hiện giải tỏa, duy trì lực lượng chốt giữ sau giải tỏa không để tái phát sinh các điểm kinh doanh tự phát.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh đô thị tại các khu dân cư, tuyên truyền đối với người tiêu dùng xây dựng thói quen mua bán tại các chợ truyền thống, các loại hình thương mại hiện đại khác thay vì mua hàng ở các điểm kinh doanh tự phát.
Ngoài ra, tập trung triển khai nâng cấp, cải tạo chợ dân sinh (nhất là các chợ đã xuống cấp) trên địa bàn TP Hà Nội để thuận tiện cho việc mua sắm của người dân, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy…; xem xét giảm bớt các loại phí, giá dịch vụ để hỗ trợ, thu hút tiểu thương vào kinh doanh tại chợ.
Minh An
Ngày 22/7, khi bão số 3 (bão Wipha) bắt đầu đổ bộ vào đất liền ven biển các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác Trung ương kiểm tra công tác phòng, chống bão tại một số điểm xung yếu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, gồm công trình kè chống sạt lở hai bên cầu Vạn Hà, cống Ngọc Quang (xã Xuân Lập) và hồ thủy lợi Cửa Đạt.