Hà Nội: Đẩy mạnh khai thác, phát huy giá trị di sản để trở thành điểm du lịch văn hóa

Địa phương
12:32 PM 01/06/2023

Là nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”, hội tụ và kết tinh những di sản văn hóa giàu giá trị của dân tộc Việt Nam, thời gian qua, song song với công tác tu bổ, tôn tạo các di tích theo Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy, Hà Nội đang đẩy mạnh khai thác các di tích, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể để phát triển du lịch văn hoá, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Hội tụ và kết tinh những di sản văn hóa giá trị của dân tộc

Hà Nội là trung tâm văn hóa lớn của nước ta với hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú và đặc sắc được bồi đắp qua hàng nghìn năm lịch sử. Hiện nay, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa với gần 6.000 di tích văn hóa, lịch sử, trong đó có 16 di tích, cụm di tích quốc gia đặc biệt, gần 1.200 di tích được xếp hạng quốc gia, đặc biệt Khu Di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Hà Nội: Đẩy mạnh khai thác, phát huy giá trị di sản để trở thành điểm du lịch văn hóa - Ảnh 1.

Hoàng thành Thăng Long.

Các khu di tích lịch sử, công trình văn hóa nổi tiếng của Hà Nội từ lâu đã thu hút rất nhiều du khách, như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ, đền Voi Phục, đền Bạch Mã, đền Quán Thánh, Tháp Rùa - đền Ngọc Sơn, chùa Hương, chùa Tây Phương, chùa Thầy, Khu Di tích thành Cổ Loa, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh,… Hà Nội cũng có hệ thống bảo tàng, nhà hát được khách du lịch trong và ngoài nước quan tâm, đánh giá tốt, như Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Hà Nội, Nhà hát Lớn Hà Nội... Đặc biệt, một trong những điểm du lịch văn hóa hấp dẫn của Hà Nội thời gian qua là khu phố cổ - “bảo tàng sống” về quá trình hình thành và phát triển của kinh thành Thăng Long - Hà Nội qua bao thăng trầm của lịch sử.

Hà Nội: Đẩy mạnh khai thác, phát huy giá trị di sản để trở thành điểm du lịch văn hóa - Ảnh 2.

Ảnh: Internet

Gắn bó chặt chẽ với hệ thống di tích lịch sử là những lễ hội truyền thống với nhiều quy mô, hình thức khác nhau, góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc của Thủ đô, tiêu biểu như hội Gióng tại đền Sóc và đền Phù Đổng (được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2010), hội Cổ Loa (huyện Đông Anh), hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức), lễ hội Đống Đa (quận Đống Đa), hội chùa Thầy (huyện Quốc Oai), hội chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất), hội chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ)…

Hà Nội: Đẩy mạnh khai thác, phát huy giá trị di sản để trở thành điểm du lịch văn hóa - Ảnh 3.

Lễ hội Chùa Hương được xem là một nét đẹp đặc sắc của miền Bắc trong mùa Tết. Ảnh: Internet

Bên cạnh đó, Hà Nội có hàng nghìn làng nghề, tạo nên không gian văn hóa làng nghề đặc sắc, trong đó có nhiều làng nghề thủ công truyền thống lâu đời với những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, tranh Hàng Trống, đồ đồng Ngũ Xã, sơn mài Hạ Thái... 

Tất cả những di sản văn hóa nói trên đã trở thành nguồn tài nguyên nhân văn giàu giá trị, là một trong những lợi thế so sánh để Thủ đô phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, thiết kế,...; qua đó, góp phần khẳng định vị thế động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể

Ngày 17/3/2021, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025”. 

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, trong hơn 2 năm triển khai chương trình, công tác bảo vệ phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được Ban chỉ đạo Chương trình 06 rất chú trọng, các quận, huyện đã triển khai thực hiện góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng và sự phối hợp của các cấp, các ngành trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

Công tác xếp hạng di tích hiện nay được Hà Nội chú trọng như xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cho: Cụm di tích Thăng Long Tứ Trấn (đền Kim Liên, đền Bạch Mã, đền Voi Phục, đền Quán Thánh); xây dựng hồ sơ nâng cấp di tích quốc gia đặc biệt chùa Bối Khê (xã Tam Hưng, Thanh Oai). Nâng cấp xếp hạng di tích cấp Quốc gia cho 3 di tích; xếp hạng di tích cấp Thành phố cho 52 di tích. Tính đến nay đạt 50% chỉ tiêu Chương trình 06.

Hà Nội: Đẩy mạnh khai thác, phát huy giá trị di sản để trở thành điểm du lịch văn hóa - Ảnh 4.

Đền Voi Phục. Ảnh: Internet

Trong công tác tu bổ di tích, theo kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025, Hà Nội có tổng số 579 dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích với kinh phí trên 14.000 tỷ đồng. 

Đến nay, việc triển khai đã đạt được kết quả bước đầu, với dự án do thành phố đầu tư có14/49 dự án đã phê duyệt chủ trương, 9 dự án đã thẩm định dự án, 6 dự án đã phê duyệt dự án, 2 dự án đang thi công, 4 dự án đã hoàn thành. Với dự án do thành phố hỗ trợ đầu tư, đã có hơn 166 dự án đã được thẩm định, 150 dự án đã được phê duyệt và 100 dự án đang thi công tu bổ, tôn tạo.

Bên cạnh công tác tu bổ, tôn tạo các di tích, Hà Nội đẩy mạnh khai thác các di tích để phát triển du lịch văn hoá. Thời gian qua, các đơn đơn vị quản lý các di tích trọng điểm như: Đền Ngọc Sơn, Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám… đã chủ động xây dựng các sản phẩm đa dạng, phong phú nhằm thu hút khách thăm quan du lịch, nghiên cứu học tập. Thành phố đang tiếp tục thi công công trình phục dựng tòa Phương Đình và tôn tạo gò Kim Châu thuộc hồ Văn, khu di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Hà Nội: Đẩy mạnh khai thác, phát huy giá trị di sản để trở thành điểm du lịch văn hóa - Ảnh 5.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Với Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội triển khai thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ với Ủy ban di sản thế giới về thống nhất quản lý di sản về di tích và di vật, triển khai Chương trình giáo dục di sản và nâng cao chất lượng điểm đến khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long. Triển khai dự án xây dựng Đền thờ Ngô Quyền, nghiên cứu kịch bản tổng thể lễ hội Ngô Quyền xưng vương, xây dựng nội dung phương án bài trí nội, ngoại thất đền Ngô Quyền tại khu di tích Cổ Loa.

Đề án Mã hóa dữ liệu Địa chỉ đỏ trên địa bàn Hà Nội cũng được triển khai để phục vụ công tác tuyên truyền giáo dục cho đoàn viên, thanh niên, sinh hoạt chuyên đề tại các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử; triển khai mã hóa, đặt điểm QR code tuyên truyền tại các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ; ra quân các đội hình tuyên truyền Hỗ trợ du lịch Thăng Long - Hà Nội nhằm giáo dục truyền thống lịch sử cho đoàn viên, thanh thiếu nhi Thủ đô.

Đặc biệt, công tác truyền dạy và phát huy giá di sản văn hoá phi vật thể được các cấp, các ngành triển khai thực hiện, tiến hành hỗ trợ nhiều lớp truyền dạy cho các di sản văn hóa phi vật thể thuộc loại hình trình diễn dân gian tại cộng đồng, như: hát ca trù, hát xẩm, múa rối, hát chèo… Các di sản sau khi được hỗ trợ truyền dạy đã nhân cấy được người thực hành di sản. Chính quyền và cộng đồng người di sản có ý thức và trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

Đối với công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, đến nay công tác quản lý, bảo vệ phát huy di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được tăng cường, nhiều tọa đàm, tập huấn được triển khai góp phần định hướng hoạt động thực hành của chủ thể và cộng đồng theo đúng quy định pháp luật.

Thương Huyền
Ý kiến của bạn
Vietnam Airlines mở bán tăng cường hơn 2.000 chuyến bay đêm dịp nghỉ lễ Vietnam Airlines mở bán tăng cường hơn 2.000 chuyến bay đêm dịp nghỉ lễ

Vietnam Airlines mở bán tăng cường vé của 2.000 chuyến bay khai thác từ sau 21h hằng ngày trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và cao điểm hè sắp tới, trên các đường bay giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn…