Hà Nội: Đẩy nhanh tiến độ triển khai bệnh án điện tử

Địa phương
10:21 AM 28/07/2025

Hà Nội đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, với trọng tâm là hoàn thành 100% bệnh viện triển khai bệnh án điện tử trước thời hạn 30/9/2025 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 144/KH-UBND về triển khai hồ sơ bệnh án điện tử trên toàn địa bàn.

Hà Nội: Đẩy nhanh tiến độ triển khai bệnh án điện tử- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: VnEconomy

Theo đó, Sở Y tế Hà Nội được giao làm đầu mối tổ chức thực hiện, với mục tiêu đến ngày 30/9/2025, toàn bộ bệnh viện công lập và ngoài công lập trên địa bàn thành phố đều phải hoàn thành triển khai bệnh án điện tử và thực hiện liên thông dữ liệu.

Hiện nay, Hà Nội đã có 18/42 bệnh viện công lập hoàn tất triển khai bệnh án điện tử, trong đó có nhiều bệnh viện lớn và tuyến đầu như: Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Phụ sản Hà Nội, Ung bướu Hà Nội, Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba, Đa khoa Hà Đông, Nhi Hà Nội, Đa khoa Đông Anh... Các bệnh viện còn lại đang trong quá trình hoàn thiện hạ tầng, nâng cấp hệ thống và đào tạo nhân lực để về đích đúng tiến độ.

Theo Kế hoạch số 144/KH-UBND, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu 100% bệnh viện trên toàn thành phố triển khai hồ sơ bệnh án điện tử; liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện, hoàn thành trong tháng 9/2025; đồng thời, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, tối ưu hóa quy trình quản lý và vận hành hệ thống y tế và hướng tới mục tiêu xây dựng nền y tế số hiện đại.

Các bệnh viện cần cập nhật bộ danh mục thuật ngữ lâm sàng, bộ danh mục chỉ số cận lâm sàng, bộ danh mục về chuyên môn, thuật ngữ lâm sàng lĩnh vực y, dược cổ truyền cùng hướng dẫn kỹ thuật triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.

Cùng với đó, các bệnh viện còn cần đạt các tiêu chí về hệ thống thông tin bệnh viện HIS, lưu trữ và truyền tải hình ảnh RIS-PACS, hệ thống thông tin xét nghiệm LIS, bảo mật và an toàn thông tin triển khai kết nối liên thông dữ liệu toàn thành phố…

Ngoài ra, các bệnh viện phải thực hiện liên thông dữ liệu khai thác thông tin hồ sơ bệnh án điện tử như: sổ sức khỏe điện tử, đơn thuốc điện tử, giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại… giữa các bệnh viện trên toàn thành phố.

Việc triển khai bệnh án điện tử không chỉ giúp giảm thiểu giấy tờ, tiết kiệm chi phí in ấn, lưu trữ và nhân lực quản lý hồ sơ, bệnh án điện tử còn là công cụ đắc lực nâng cao chất lượng điều trị. Bác sĩ có thể truy cập hồ sơ bệnh án chỉ bằng vài cú click, nắm bắt tiền sử, kết quả cận lâm sàng và hình ảnh chẩn đoán một cách nhanh chóng, từ đó rút ngắn thời gian chẩn đoán và tăng độ chính xác trong điều trị. Mọi thay đổi trong điều trị đều được cập nhật tức thời, giảm thiểu nguy cơ sai sót và tăng tính an toàn. Ngoài ra, việc số hóa giúp bệnh viện tiết kiệm đáng kể chi phí in ấn, lưu trữ và quản lý hồ sơ giấy.

Đặc biệt, khi được tích hợp với dữ liệu dân cư, bảo hiểm xã hội, hệ thống y tế dự phòng và các nền tảng công nghệ khác, bệnh án điện tử sẽ trở thành mắt xích quan trọng trong hệ thống y tế thông minh. Đây cũng là tiền đề quan trọng để ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và mô hình đô thị thông minh vào chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Tính đến giữa năm 2025, trên toàn quốc mới chỉ có khoảng 7,5% số bệnh viện triển khai đầy đủ bệnh án điện tử theo chuẩn của Bộ Y tế.

Dựa trên dữ liệu cập nhật mới nhất từ Trung tâm thông tin y tế quốc gia (Bộ Y tế), tính đến ngày 17/7/2025, cả nước mới có 270/1.700 bệnh viện công bố hoàn thành triển khai hồ sơ bệnh án điện tử (EMR), thay thế hoàn toàn bệnh án giấy.

So sánh với tỷ lệ khoảng 15,9% bệnh viện đã đạt EMR, con số này vẫn còn rất khiêm tốn so với mục tiêu 100% bệnh viện phải hoàn thành triển khai hệ thống trước ngày 30/9/2025, đòi hỏi quyết tâm cao hơn từ cả cấp quản lý lẫn cơ sở thực hiện.

Minh An
Ý kiến của bạn