Hà Nội: Đề xuất phương án xây dựng sân bay thứ 2 tại huyện Ứng Hòa

Sự kiện
11:53 AM 02/10/2020

Sở Quy hoạch và Kiến trúc (QHKT) vừa kiến nghị UBND TP Hà Nội đề xuất Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xem xét bố trí phương án xây dựng sân bay thứ 2 có công suất 50 triệu hành khách/năm, tại huyện Ứng Hòa

Hà Nội: Đề xuất phương án xây dựng sân bay thứ 2 tại huyện Ứng Hòa - Ảnh 1.

Hà Nội đề xuất phương án xây dựng sân bay thứ 2 tại huyện Ứng Hòa

Theo nghiên cứu của Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế giao thông vận tải (TEDI), nhu cầu đi lại bằng hàng không của người dân vùng Thủ đô trong những năm tới khoảng 150 triệu hành khách/năm, vì vậy phải đầu tư mở rộng Sân bay Nội Bài từ 50 triệu hành khách/năm lên 100 triệu hành khách/năm và đầu tư sân bay thứ 2.

Sở QHKT Hà Nội cho rằng, việc xây dựng sân bay thứ 2 cho vùng Hà Nội rất quan trọng, cần có ý kiến của TP Hà Nội ngay trong giai đoạn nghiên cứu quy hoạch.

Theo quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, được Thủ tướng phê duyệt năm 2016 cũng xác định 4 vị trí xây sân bay thứ 2 cho vùng Thủ đô Hà Nội.

Đó là khu vực tỉnh Hà Nam (tại huyện Lý Nhân, cách trung tâm Hà Nội khoảng 60 - 65 km); khu vực phía Nam TP Hà Nội (tại huyện Ứng Hòa, cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 35 - 40 km); khu vực tỉnh Hải Dương (tại các huyện Thanh Miện, Bình Giang, khoảng cách đến trung tâm Hà Nội khoảng 45 - 50 km); và khu vực TP Hải Phòng (tại huyện Tiên Lãng, cách trung tâm Hà Nội 120 km).

Cũng theo Sở QHKT Hà Nội, việc xây dựng sân bay tại hyện Ứng Hòa có nhiều lợi thế, do đó, sở kiến nghị UBND TP Hà Nội có văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét phương án chọn vị trí này.

Lý giải về việc lựa chọn huyện Ứng Hòa để xây sân bay thứ 2 tại Hà Nội, Sở QHKT Hà Nội cho rằng, khu vực dự kiến xây sân bay thứ 2 tại huyện Ứng Hòa có vị trí hợp lý với trung tâm Hà Nội và Sân bay Nội Bài. Thời gian di chuyển từ vị trí xây sân bay vào trung tâm Hà Nội chỉ khoảng 45-50 phút. Có khả năng tiếp cận giao thông thuận lợi thông qua cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Quốc lộ 1A hiện có và tiếp giáp đường trục phía Nam thành phố đang thi công.

Về lâu dài sẽ được bổ sung thêm cao tốc Tây Bắc - QL5B (nối đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 5B, các trục đường chính của TP Hà Nội như đường Đỗ Xá - Quan Sơn, trục Bắc - Nam, đường Ngọc Hồi - Phú Xuyên, kết nối với đường sắt cao tốc Bắc – Nam) trong tương lai.

Việc xây dựng sân bay tại huyện Ứng Hòa cũng thuận lợi trong giải phóng mặt bằng dự án, có khả năng bố trí quỹ đất xây sân bay khoảng 1.300ha, tương đương quy mô Sân bay quốc tế Nội Bài có công suất 50 triệu hành khách/năm hiện nay, trong đó chủ yếu là đất nông nghiệp, ít khu dân cư.

Liên quan đến đề xuất này, ông Đinh Việt Thắng- Cục trưởng Cục Hàng không - cho biết, thực hiện Luật Quy hoạch, Bộ GTVT đã giao Cục Hàng không thực hiện quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không toàn quốc giai đoạn đến năm 2050. Tiến độ sẽ hoàn thành và trình Bộ GTVT trong quý 4 năm 2020. Sau khi hoàn thành, quy hoạch này sẽ thay thế cho quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Quyết định 236/QĐ-TTg ngày 23/2/2018).

Vì vậy, thời gian qua, có một số địa phương đề xuất bổ sung sân bay vào quy hoạch mạng cảng hàng không, sân bay toàn quốc. Tuy nhiên, việc lập quy hoạch chi tiết các cảng hàng không, sân bay phải phù hợp với quy hoạch mạng cảng hàng không, sân bay được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 236.

Theo Quyết định 236 của Thủ tướng, đến năm 2030, khu vực miền Bắc có 10 cảng hàng không gồm 5 cảng hàng không quốc tế là Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh và 5 cảng hàng không quốc nội gồm Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới.

Ông Thắng cho biết thêm, khi chưa điều chỉnh hoặc lập mới quy hoạch mạng cảng hàng không, sân bay toàn quốc thì không có cơ sở để lập quy hoạch chi tiết cảng hàng không, sân bay cụ thể. Vì vậy, các đề xuất của địa phương sẽ được tư vấn tính toán, đánh giá và đề xuất phương án quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn đến năm 2050.

Sở QHKT Hà Nội đang xin ý kiến UBND TP Hà Nội cho phép Sở GTVT Hà Nội phối hợp với các đơn vị của Bộ GTVT, Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT để nghiên cứu đồ án Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay thời kỳ 2012-2030, tầm nhìn đến năm 2050, rà soát cập nhật các nội dung liên quan đến vùng Thủ đô Hà Nội.

P. Thủy
Ý kiến của bạn
Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nâng tầm doanh nghiệp Việt Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nâng tầm doanh nghiệp Việt

Theo các chuyên gia, để duy trì và phát huy vai trò trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam cần áp dụng các chính sách đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp nội địa kết nối với doanh nghiệp FDI, đặc biệt là nâng cấp năng lực doanh nghiệp để đáp ứng các yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu.