Hà Nội: Đề xuất thiết kế 5 quảng trường quanh khu vực hồ Thiền Quang
Quận Hai Bà Trưng đề xuất xây dựng 1 quảng trường trung tâm và 4 quảng trường đặt tên theo 4 mùa trong năm. Khu vực nghiên cứu quy hoạch, xây dựng có vị trí giao thông thuận tiện, tập trung đông dân cư, là trung tâm kinh tế - văn hoá xã hội quận Hai Bà Trưng.
UBND Q.Hai Bà Trưng (Hà Nội) đang tổ chức lấy ý kiến người dân về Đồ án thiết kế đô thị khu vực xung quanh hồ Thiền Quang, tỷ lệ 1/500.
Khu đất nghiên cứu lập thiết kế đô thị rộng 11,7 ha, nằm trên các phường Nguyễn Du và Lê Đại Hành. Phía Bắc khu vực này giáp đường Nguyễn Du, phía Tây giáp phố Trần Bình Trọng, phía Đông giáp phố Quang Trung và phía Nam giáp phố Trần Nhân Tông.
Trong đồ án, đơn vị tư vấn đề xuất thiết kế đô thị với 13 khu vực, trong đó có 5 quảng trường. Quảng trường trung tâm nằm ở phía đường Trần Nhân Tông, giáp công viên Thống Nhất, là khu văn hóa nghệ thuật đa năng, trung tâm buôn bán, giao thương hàng hóa và nơi dừng nghỉ cho du khách.
Quảng trường này cũng kết nối với công viên Thống Nhất và các khu vực khác. Hiện vào cuối tuần, đoạn phố Trần Nhân Tông được tổ chức thành phố đi bộ với nhiều hoạt động văn hóa giải trí và thương mại.
Bốn quảng trường còn lại được đặt tên theo bốn mùa trong năm và tọa lạc ở bốn góc của hồ Thiền Quang. Mỗi quảng trường mang một bản sắc và đặc trưng riêng của mùa.
Cụ thể, quảng trường mùa Xuân và mùa Hạ nằm ở hai góc phía đường Trần Nhân Tông. Đây là nơi diễn ra các sự kiện và hoạt động chính, cung cấp không gian mở để người dân có thể ngắm nhìn toàn cảnh hồ Thiền Quang. Quảng trường mùa Thu nằm gần ngã tư Nguyễn Du - Quang Trung, mang đến nhịp sống sôi động, nhộn nhịp. Trong khi đó, quảng trường mùa Đông nằm ở đoạn ngã tư Nguyễn Du - Trần Bình Trọng, là không gian chuyển tiếp giữa công viên ven hồ và cụm ba chùa Thiền Quang - Quang Hoa - Pháp Hoa. Tại quảng trường này, người dân và du khách có thể tham gia vào các hoạt động như chơi cờ, tập thể dục hoặc câu cá.
Đồ án cũng nêu định hướng thiết kế đài phun nước ở giữa hồ; khu biểu diễn nhạc nước gần bờ phía đường Trần Nhân Tông. Để người dân và du khách có thể nghỉ ngơi thư giãn và xem nhạc nước, sát hồ sẽ được xây bậc thềm ngắm cảnh. Ngoài ra, đồ án còn định hướng các khu vực như tượng đài công an nhân dân, khu tôn giáo tín ngưỡng, cung văn hóa thanh niên, cây xanh cảnh quan...
Mục tiêu của đồ án là biến khu vực hồ Thiền Quang thành trung tâm kết nối giữa các điểm dân cư và các trung tâm văn hóa xã hội, đồng thời trở thành cửa ngõ nối liền từ bên ngoài tuyến phố quanh hồ Thiền Quang vào công viên Thống Nhất. Bên cạnh việc cải thiện diện mạo đô thị, kế hoạch còn nhằm nâng cấp hệ thống tiện ích công cộng và tạo ra các không gian hoạt động đa năng với các tiện ích hiện đại.
Theo đề án, công trình có đầy đủ điều kiện để trở thành cụm cảnh quan, điểm đến hấp dẫn, trung tâm văn hóa - xã hội chính của thành phố Hà Nội. Đây sẽ trở thành điểm đến thu hút phần lớn hoạt động tham quan, vui chơi, mua sắm, là điểm trung tâm kết nối giữa những khu vực xung quanh.
Theo đại diện của Phòng Quản lý đô thị quận Hai Bà Trưng, việc lấy ý kiến của cộng đồng sẽ kéo dài trong 30 ngày, kể từ ngày đăng tải hồ sơ đồ án lên trang thông tin điện tử của quận và treo bản vẽ tại trụ sở UBND phường Nguyễn Du và Lê Đại Hành.
Trước đó hồi tháng 9/2023, trong quyết định phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đô thị riêng xung quanh hồ Thiền Quang, UBND TP Hà Nội cho hay mục tiêu thiết kế là đề xuất giải pháp tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan hài hòa giữa khu vực xây mới và khu vực cải tạo, nghiên cứu vị trí điểm nhấn kiến trúc tạo bộ mặt đô thị.
Hồ Thiền Quang, từng mang tên là hồ Liên Thủy, tên tiếng Pháp là hồ Halais. Vào thời Pháp, hồ bị lấp dần để mở rộng các con phố. Đến những năm 1930, hồ mới ổn định được diện mạo như bây giờ với diện tích khoảng 5 hecta.
Ngoài khu vực hồ Thiền Quang, giai đoạn 2021-2025 thành phố đặt ra nhiệm vụ thiết kế đô thị riêng ở một số khu vực như tuyến phố Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm); đường Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải - Trần Khánh Dư (quận Hoàn Kiếm); đường Thanh Niên (quận Tây Hồ); hai bên vành đai 2, đoạn Vĩnh Tuy - Chợ Mơ - Ngã Tư Vọng (quận Hai Bà Trưng)...
Hà Nội hiện có một số quảng trường như: Ba Đình, Đông Kinh Nghĩa Thục, 1/5 ở cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô (trên đất nhà đấu xảo) và Cách mạng tháng Tám. Trong đó, ngoài Ba Đình, ba quảng trường còn lại đều hình thành từ thời Pháp thuộc.
Ngô HuyCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.