Hà Nội: 'Đỉnh' dịch sốt xuất huyết có thể rơi vào tháng 9, tháng 10
Trước tình hình sốt xuất huyết có diễn biến phức tạp khi số mắc tiếp tục gia tăng, Sở Y tế Hà Nội dự báo đỉnh dịch năm 2023 có thể rơi vào khoảng tháng 9 - 10.
Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện tại miền Bắc đã có hơn 10.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó số ca mắc tại Hà Nội chiếm hơn 40%. Cụ thể, tính đến ngày 14/8, trên địa bàn thành phố ghi nhận 3.512 ca (tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2022) tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 440/579 xã, phường, thị trấn.
Bệnh nhân có xu hướng gia tăng nhanh trong 4 tuần gần đây. Trung bình mỗi tuần ghi nhận từ 500 - 600 trường hợp mắc mới; số mắc tăng nhiều so với cùng kỳ 2022 (753 trường hợp mắc, không có trường hợp tử vong). Toàn thành phố đã ghi nhận 255 ổ dịch, trong đó, hiện còn 114 ổ dịch (chiếm 45%) đang hoạt động.
Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc SXH, như: Thạch Thất, Thanh Trì, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Phú Xuyên, Thường Tín, Nam Từ Liêm, Hà Đông. Một số phường ghi nhận nhiều bệnh nhân, như: Phùng Xá, Hữu Bằng (huyện Thạch Thất), Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì), Định Công (quận Hoàng Mai), Văn Tự (huyện Thường Tín).
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương dự báo, đỉnh dịch sốt xuất huyết sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới, số mắc sẽ tiếp tục gia tăng. Dự báo đỉnh dịch năm 2023 có thể rơi vào khoảng tháng 9, tháng 10 tương tự như những năm ghi nhận nhiều bệnh nhân, như: năm 2015 (15.412 ca); năm 2019 (12.255 ca); năm 2022 (19.771 ca).
Lý giải cho sự gia tăng này, theo ông Vũ Cao Cương, thời tiết mưa nhiều, nhiệt độ hằng ngày dao động trong khoảng 26-32°C, tạo thuận lợi cho việc phát sinh bọ gậy và muỗi. Kết hợp với việc đã có nhiều ổ dịch với nhiều ca mắc trên địa bàn thành phố, mật độ quần thể muỗi truyền bệnh tiếp tục duy trì ở mức cao. Thậm chí, nhiều điểm vượt ngưỡng nguy cơ dẫn đến nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh. Thêm vào đó, thời điểm này, sinh viên từ các tỉnh lân cận bắt đầu về Hà Nội nhập học, làm gia tăng đối tượng cảm nhiễm với bệnh.
Trong cuộc họp về công tác phòng chống dịch bệnh mới đây, lãnh đạo thành phố yêu cầu toàn thành phố chuyển sang vận hành theo cơ chế cao điểm phòng chống dịch sốt xuất huyết. Tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch tới từng hộ dân cư. Triển khai tổng vệ sinh môi trường. Trong đó, phát động, triển khai các đợt vệ sinh môi trường gắn với từng khu dân cư, hộ gia đình.
Giám sát phát hiện sớm các ca mắc và ổ dịch. Thời gian qua, công tác này được nhiều địa phương triển khai tốt. Tuy nhiên, bên cạnh đó, có những địa bàn làm chưa tốt việc khoanh vùng và xử lý nên ổ dịch bị lan rộng và bùng phát. Các địa phương cần phải rút kinh nghiệm và trong quá trình triển khai nếu có vướng mắc cần báo cáo ngay về Sở Y tế để kịp thời tháo gỡ.
Ngọc MỹTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.