Hà Nội định hướng thành trung tâm hàng đầu về công nghiệp vi mạch bán dẫn
TP Hà Nội xác định phương hướng phát triển các ngành quan trọng như định hướng trở thành trung tâm hàng đầu về công nghiệp vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học.
Ngày 23/2, phiên họp thẩm định Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được tổ chức. Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã đề xuất những điểm mới, có tính đột phá mạnh mẽ trong định hướng phát triển.
Quy hoạch đề xuất nhiều mục tiêu phát triển thành phố Hà Nội. Trong đó, một số mục tiêu là Hà Nội có sức cạnh tranh cao, có trình độ phát triển ngang tầm Thủ đô các nước tiên tiến trong khu vực; là trung tâm kinh tế - tài chính lớn của đất nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực...
Quy hoạch cũng đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch; 5 trụ cột phát triển; 4 khâu đột phá chiến lược. Trong đó, 5 trụ cột bao gồm: Văn hóa và di sản; Phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn; Hạ tầng đồng bộ, giao thông văn minh, hiện đại; Xã hội số, đô thị thông minh, kinh tế số; Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo và 4 khâu đột phá chiến lược là: Tạo lập thể chế quản trị vượt trội; Phát triển hệ thống hạ tầng kết nối, đồng bộ; đặc biệt là đường sắt đô thị; Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và khai thác tài nguyên nhân văn; Phát triển đô thị, cải tạo môi trường và cảnh quan.
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đề xuất phát triển theo hướng thông minh và kinh tế số; chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế chia sẻ. Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm cơ sở dữ liệu lớn, hoạt động xã hội được vận hành và quản lý trên nền tảng số, điều hành thông minh.
Điểm đáng chú ý là quy hoạch Thủ đô Hà Nội cũng xác định phương hướng phát triển các ngành quan trọng như định hướng trở thành trung tâm hàng đầu về công nghiệp vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học; phát triển sản phẩm nông nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao.
Trục sông Hồng cũng được xem là động lực chính cho phát triển Hà Nội. Hạ tầng giao thông của thành phố sẽ kết nối 4 phương thức vận tải: hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt đô thị với đường sắt quốc gia kết nối liên vùng và quốc tế, đường thủy nội địa với vận tải biển; đường vành đai 4 và 5 kết nối vùng.
Hà Nội sẽ tập trung phát triển hệ thống đường sắt đô thị đủ khả năng thay thế phương tiện giao thông cá nhân và kết nối trung tâm Thủ đô với các trung tâm đô thị trong vùng Thủ đô. Bên cạnh đó, quy hoạch nêu Hà Nội mở rộng, nâng công suất sân bay Nội Bài ở mức giới hạn hiệu quả; xây dựng sân bay thứ 2 vùng Thủ đô để mở rộng không gian phát triển khu vực phía Nam.
Cùng với đó, phát triển công nghiệp văn hóa kết hợp với dịch vụ du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đặc sắc của Thủ đô gắn với phục dựng các di tích lịch sử, di sản văn hóa kết hợp truyền thống với ứng dụng công nghệ để tái hiện lịch sử trong không gian thực tế ảo và hình thành không gian văn hóa sông Hồng với con đường di sản hai bên sông để tái hiện lịch sử ngàn năm dựng nước, giữ nước.
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở đặc biệt quan trọng để các cấp, các ngành nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển và các dự án đầu tư, nhằm phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội đến năm 2030.
Ngô HuyKhi cái lạnh mùa đông tràn về, không ít du khách chọn cách “chạy trốn” rét buốt để tìm đến những miền đất ấm áp, rực rỡ ánh đèn lễ hội.