Hà Nội: Đô thị Long Biên và Gia Lâm được quy hoạch thuộc nhóm đô thị trung tâm
Tại Kỳ họp thứ 14, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 tầm nhìn đến năm 2065. Theo đó, thành phố đã định hướng mô hình phát triển đô thị của Hà Nội là chùm đô thị đa cực, đa trung tâm. Trong đó, đô thị Long Biên và Gia Lâm được quy hoạch thuộc nhóm đô thị trung tâm.
Trong đó, đô thị trung tâm (gồm Đô thị phía Nam sông Hồng; Đô thị Long Biên, Gia Lâm), TP phía Bắc (gồm Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn), TP phía Tây (gồm Đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Xuân Mai), các Đô thị vệ tinh Sơn Tây, Phú Xuyên; Thị trấn sinh thái và thị trấn.
Đối với khu vực đô thị Long Biên, Gia Lâm, Hà Nội trình nghiên cứu mô hình phát triển gắn kết với các đô thị vệ tinh, thành phố lân cận. Đây là khu vực cửa ngõ logistic phía Đông kết nối các tỉnh, thành phố ven biển; nghiên cứu quy hoạch phát triển mới, đề xuất một số khu vực đô thị nén, mô hình TOD, liên kết không gian ngầm, công trình cao tầng, mật độ xây dựng thấp, tăng quy mô diện tích không gian xanh, tăng cường tiện ích đô thị.
Trong đó, rà soát, phân bổ lại quy mô dân cư trên địa bàn để bổ sung phù hợp nhu cầu và quy mô phát triển, phù hợp với định hướng phát triển khu vực Bắc sông Hồng thành quận hoặc thành phố trực thuộc thành phố.
Ngoài ra mở rộng không gian phát triển đô thị khu vực phía Đông huyện Gia Lâm, khai thác hiệu quả quỹ đất hình thành khu đô thị mới hiện đại đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của người dân. Định hướng quy hoạch này không những làm tăng vẻ đẹp đô thị mà còn mở ra rất nhiều cơ hội phát triển cho bất động sản khu vực đô thị Long Biên, Gia Lâm.
Định hướng không gian đô thị theo hướng đô thị nén, cao tầng với bán kính khoảng 0,5 - 1km xung quanh khu vực ga đường sắt đô thị. Phát triển không gian công cộng, thương mại dịch vụ, tổ hợp văn phòng, giao dịch cao tầng trên các trục đường vành đai, hướng tâm, đường chính đô thị.
Phát triển gắn với các đô thị tỉnh, thành kế cận. Cửa ngõ logistic phía Đông kết nối hướng biển, hình thành thêm hệ thống cảng cạn ICD tại các ga chính đường sắt. Cải tạo, tái thiết, phát triển mới, nén theo mô hình TOD, cao tầng, mật độ xây dựng thấp, bổ sung thêm nhiều không gian xanh và tiện ích đô thị, gắn kết chặt chẽ với không gian mở sông Hồng, sông Đuống.
Nghiên cứu phát triển gắn với một số mô hình nghiên cứu và ứng dụng khoa học trong nông nghiệp tầm quốc gia và khu vực, tận dụng lợi thế một số quỹ đất có sẵn tại khu vực.
Việc HĐND thành phố cũng thông qua các nghị quyết chuyên đề có những nội dung rất quan trọng như: Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô; Đề án xây dựng nông thôn mới; tổng biên chế hành chính sự nghiệp; sáp nhập thôn, tổ dân phố; danh mục thu hồi đất; hệ số điều chỉnh giá đất... là cơ sở pháp lý quan trọng, tác động sâu rộng, kịp thời giải quyết các vấn đề dân sinh, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của Thủ đô.
Một trong những mục tiêu của Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung nhằm phát triển Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phần đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Thủ đô Hà Nội sẽ có tổng thể không gian phát triển năng động, hòa nhập; phát triển theo mô hình đô thị thông minh, thành phố sáng tạo, phát triển xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu… Đồ án cũng sẽ là căn cứ khoa học và công cụ pháp lý quan trọng để quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, quản lý đầu tư xây dựng và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển của Hà Nội.
Theo các chuyên gia, quy hoạch Thủ đô Hà Nội là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của Hà Nội, tác động không chỉ đến đời sống của hơn 8,4 triệu người dân Thủ đô mà còn làm thay đổi diện mạo đô thị văn minh, hiện đại, xứng đáng là hình mẫu cho sự phát triển kinh tế - xã hội cả nước, đòi hỏi tập trung công sức, trí tuệ, sự tham gia của cả hệ thống chính trị thành phố cũng như của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước và cho dù đưa ra phương án nào cũng phải lấy người dân làm trọng tâm, là chủ thể trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô.
Để chuẩn bị mùa mua sắm Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Sở Công Thương Hà Nội đã chủ động lên phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa, bình ổn giá dịp này; điều tiết nguồn hàng kịp thời để bảo đảm không xảy ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa, tăng giá sản phẩm...