Hà Nội đón gần 19 triệu lượt khách du lịch trong 8 tháng

Kinh doanh
08:49 AM 30/08/2024

Trong tháng 8, du lịch Hà Nội đã đón 2,49 triệu lượt khách; tính chung từ đầu năm đến cuối tháng 8, ngành du lịch Thủ đô đã đón 18,95 triệu lượt khách, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, ước tính trong tháng 8/2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 2,49 triệu lượt, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 9.530 tỷ đồng, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Hà Nội đón gần 19 triệu lượt khách du lịch trong 8 tháng- Ảnh 1.

Du khách tham quan Văn Miếu - Hà Nội.

Khách du lịch quốc tế ước đạt 496,4 nghìn lượt khách, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 350.000 lượt khách du lịch quốc tế lưu trú tại Hà Nội. Còn khách du lịch nội địa ước đạt 2 triệu lượt, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước. 

Từ đầu năm đến nay, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 18,95 triệu lượt khách, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 3,94 triệu lượt khách, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, lượng khách quốc tế lưu trú lại Hà Nội là 2,78 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 73.261 tỷ đồng, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Hiện, Hà Nội có 3.760 cơ sở lưu trú với 71.246 phòng; trong đó có 606 khách sạn, khu căn hộ đã được xếp hạng từ 1-5 sao. Trong tháng 8, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt 57,3%, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2023. 

Hệ thống các cơ sở dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch đã thu hút, phục vụ đông đảo lượng du khách và người dân đến tham quan và mua sắm.

Từ tháng 9, Sở Du lịch tiếp tục phối hợp với các đơn vị tổ chức chuỗi sự kiện để thu hút du khách, như: Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội năm 2024 và chuỗi các sự kiện du lịch thể thao Hà Nội năm 2024; chuỗi hoạt động chuyên đề phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử Hà Nội; hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp du lịch và công bố chương trình kích cầu du lịch nội địa Hà Nội năm 2024.

Bên cạnh đó, Sở Du lịch sẽ xây dựng mô hình thí điểm phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố; đẩy mạnh ứng dụng nền tảng số trong hoạt động du lịch, số hóa hệ thống thông tin về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch, thị trường du lịch Hà Nội.

Đồng thời, Sở tiếp tục xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm mới gắn với di sản - di tích, làng nghề theo tuyến Trung tâm Hà Nội - Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên; tuyến Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hoà - Mỹ Đức.

Ngành tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đường sông kết nối các điểm đến du lịch dọc khu vực sông Hồng, sông Đuống, hoàn thiện tuyến du lịch Chương Dương Độ - Bát Tràng - đền thờ Chử Đổng Tử, tiến tới mở rộng tuyến du lịch từ bến Chương Dương Độ đi khu vực Sơn Tây, Ba Vì.

Sở cũng phối hợp với các quận, huyện nghiên cứu, đề xuất triển khai các mô hình du lịch văn hóa, làng nghề mới như: Nghiên cứu, phát triển làng du lịch tại huyện Sóc Sơn; trung tâm thiết kế sáng tạo làng nghề kết hợp với hoạt động du lịch tại huyện Phú Xuyên...

Đồng thời, Sở đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh thành phố phát triển tuyến, sản phẩm du lịch liên kết theo từng nhóm sản phẩm thế mạnh, có tính bổ trợ lẫn nhau như: Tuyến du lịch văn hóa tâm linh Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình, tuyến du lịch khám phá, trải nghiệm Hà Nội - Sơn La, Hà Nội - Lào Cai - Lai Châu.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn