Hà Nội dự kiến đầu tư hơn 14.000 tỷ đồng tu bổ di tích

Tài chính - Đầu tư
08:51 AM 15/10/2024

Hà Nội dự kiến chi ngân sách hơn 14.000 tỷ đồng để đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích trên địa bàn.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thành phố đến 2025 và các năm tiếp theo.

Theo đó, Hà Nội tập trung triển khai việc lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích quốc gia đặc biệt, cụm di tích quốc gia, di tích cấp thành phố đã được xếp hạng tạo thành một quần thể phân bố trong cùng một khu vực địa lý, có mối quan hệ mật thiết về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ. Bao gồm 21 cụm di tích quốc gia đặc biệt (trong đó có 89 di tích đơn lẻ) và nhiều cụm di tích thuộc quận, huyện quản lý.

Hà Nội dự kiến đầu tư hơn 14.000 tỷ đồng tu bổ di tích- Ảnh 1.

Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Thầy tại huyện Quốc Oai. Ảnh: Int

Đồng thời, thực hiện theo lộ trình tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, di tích có giá trị về kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh và các di tích quốc gia, di tích cấp thành phố có giá trị tiêu biểu.

Cụ thể, tổng số di tích cần đầu tư tu bổ, tôn tạo giai đoạn 2021-2025 là 579 dự án với tổng kinh phí 14.029 tỷ đồng. Trong đó, di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, cách mạng kháng chiến là 58 di tích dự kiến thành phố đầu tư là 5.676,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, có 521 di tích lịch sử văn hóa được thành phố hỗ trợ cho các huyện, thị xã tu bổ tôn tạo giai đoạn 2021-2025. Trong số này có 337 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 184 di tích cấp thành phố, tổng số kinh phí 8.352,7 tỷ đồng.

Đối với di tích chưa nằm trong Nghị quyết số 02/NQ-HĐND, Nghị quyết số 12/NQ-HĐND, cơ quan chức năng thực hiện rà soát phân loại mức độ xuống cấp di tích để tổng hợp báo cáo thành phố đề xuất tiếp tục đầu tư tu bổ, tôn tạo giai đoạn 2025-2030.

Thời gian thực hiện việc tu bổ từ năm 2024-2025 và các năm tiếp theo với nguồn kinh phí thực hiện từ nguồn vốn ngân sách thành phố.

Sự đầu tư tổng lực cho việc tu bổ, tôn tạo, di tích Hà Nội sẽ tạo một luồng sinh khí mới, vừa bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc từ hàng trăm năm nay vừa tạo động lực cho việc phát huy di sản, thu hút khách du lịch. 

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng, do đặc thù kiến trúc, hàm lượng giá trị văn hóa trong mỗi công trình nên nhiệm vụ tu bổ, tôn tạo di tích hết sức đặc biệt, đòi hỏi đặt ra những yêu cầu về quy trình thực hiện, kiến thức, tay nghề… làm sao triển khai hiệu quả, giữ gìn và phát huy tốt giá trị nguyên gốc.

Huyền My
Ý kiến của bạn