Hà Nội dự kiến đưa 3 huyện Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn lên thành phố
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội dự kiến nghiên cứu, đề xuất chủ trương và quy hoạch vùng huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh trở thành thành phố.
- Tuyến đường Tây Thăng Long rộng thênh thang, đẹp hút hồn chạy xuyên qua khu đô thị đắt đỏ nhất Thủ đô
- Diện mạo dự kiến của Trung tâm hành chính quốc gia mới ở Tây Hồ: Rộng 35ha, hoành tráng không kém các khu đô thị
- Tính kết nối tạo giá trị mới cho đô thị vệ tinh?
- Bất động sản khu đô thị vẫn hút sự quan tâm của nhà đầu tư
Vừa qua, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của TP. Hà Nội. Theo Tờ trình của UBND TP. Hà Nội, đáng chú ý, trong lĩnh vực quy hoạch, đô thị, UBND TP. Hà Nội sẽ xây dựng, trình phê duyệt Quy hoạch TP. Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Hà Nội sẽ hoàn thành việc rà soát, tổng hợp quy hoạch để trình cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô song song với việc rà soát, đánh giá các quy hoạch chung xây dựng huyện được duyệt trong giai đoạn trước, tổ chức lập 14 quy hoạch vùng huyện, quy hoạch các khu chức năng.
Đồng thời, đề xuất chủ trương và xây dựng quy hoạch vùng huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh thành thành phố.
Trước đó, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội về phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư trung hạn 5 năm tới, cũng đã đề cập định hướng phát triển 3 huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh gắn với lợi thế Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Nếu mục tiêu trên thành hiện thực, Hà Nội sẽ có các thành phố đầu tiên phát triển từ các huyện hiện tại, tương tự như TP.Thủ Đức của TP.HCM.
Ngoài ra, Hà Nội cũng đặt mục tiêu hoàn thành các quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống, các đô thị vệ tinh; quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị các khu dân cư làng xóm hiện có, cải tạo chỉnh trang các khu vực hai bên tuyến đường giao thông.
Hà Nội dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng các dự án: Công viên văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí Kim Quy (huyện Đông Anh); Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - trường đua ngựa (huyện Sóc Sơn).
Về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, Hà Nội sẽ hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm (trục Tây Thăng Long, các tuyến vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục, vành đai 2 đoạn Mai Động - Ngã Tư Vọng, vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - Giải Phóng, vành đai 4…).
Tại các khu vực dự kiến lên quận như Thanh Oai, Mê Linh, Thường Tín, xây dựng nền tảng hạ tầng kinh tế - xã hội giai đoạn 2025-2030 và những năm tiếp theo.
Ngoài ra đối với hệ thống giao thông, UBND TP. Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trên cao, đường sắt đô thị, các công trình ngầm gắn với khả năng kết nối đồng bộ giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng. Khởi công 1 tuyến, đưa vào vận hành 2 - 3 tuyến đường sắt đô thị.
Về kế hoạch xây dựng nhà ở, Hà Nội phấn đấu diện tích nhà ở đạt 29,5 m2 sàn/người vào năm 2025. Chuẩn bị đầu tư 5 khu nhà ở xã hội tập trung, 2 dự án nhà ở công nhân.
Đồng thời, sử dụng tiền thu được từ giá trị quỹ đất 20%, 25% tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Cải tạo, xây dựng lại 2 - 3 khu chung cư cũ. Triển khai đầu tư xây dựng 2 - 3 khu đô thị mới theo định hướng đô thị thông minh.
Huyền My (T/h)Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.