Hà Nội dự kiến khởi công metro Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo năm 2025
Dự án đường sắt đô thị TP Hà Nội tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo dự kiến khởi công năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác, vận hành năm 2029.
Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn ký quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Thứ nhất, là chiều dài đoạn đi trên cao của tuyến metro này tăng từ 8,5km lên 8,9km, chiều dài đoạn đi ngầm giảm từ 3km xuống 2,6km (tổng chiều dài của dự án vẫn giữ nguyên); số lượng đoàn tàu được giảm từ 14 đoàn tàu còn 10 đoàn tàu (mỗi đoàn có 4 toa).
Nội dung được điều chỉnh thứ hai là sơ bộ tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh lên 35.588 tỉ đồng (tương đương 200.744 triệu yen), tăng thêm 16.033 tỉ đồng so với chủ trương đầu tư được phê duyệt lần đầu vào tháng 1/2008.
Thứ ba là thời gian thực hiện dự án được điều chỉnh từ năm 2009 đến năm 2031, thay vì hoàn thành vào năm 2015 như phương án ban đầu. Trong đó hoàn thành đưa vào khai thác, vận hành năm 2029 và 2 năm đào tạo vận hành bảo dưỡng.
“Sau khi được phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, Dự án sẽ triển khai huy động lại tư vấn chung thực hiện điều chỉnh Dự án để UBND thành phố Hà Nội phê duyệt và triển khai thi công từ năm 2025”, lãnh đạo MRB thông tin thêm.
Tuyến đường sắt đô thị này sẽ tạo thành trục xương sống quan trọng, kết nối khu vực nội đô, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và đô thị phía Bắc của Hà Nội. Ngoài lợi ích về giao thông và môi trường, tuyến đường sắt đô thị này còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch và kiến trúc đô thị Thủ đô.
Việc quy hoạch tuyến số 2 kết hợp giữa hướng tâm và vành đai không chỉ tăng khả năng kết nối mà còn giúp phân tán hành khách ra khỏi khu trung tâm, rút ngắn thời gian di chuyển và tối ưu hóa hiệu quả khai thác toàn hệ thống.
Huyền My (t/h)Ngày 18/12, Diễn đàn Chuỗi Phân phối LNG Toàn cầu và Vị thế của Việt Nam do Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương - Bộ Công Thương tổ chức thu hút sự tham gia của các chuyên gia quốc tế, cơ quan chính phủ, tổ chức quốc tế, và doanh nghiệp đầu ngành.