Hà Nội dự kiến lập 87 trạm thu phí phương tiện vào nội đô để giảm ùn tắc

Sự kiện
09:28 AM 28/10/2021

Sở GTVT Hà Nội vừa cùng với đơn vị tư vấn (Trường Đại học GTVT) xây dựng xong phương án 87 trạm thu phí phương tiện vào nội đô, đặt tại đường vành đai, thực hiện thu phí phương tiện từ 5h đến 21h hàng ngày.

Theo cơ quan tư vấn xây dựng đề án, giải pháp thu phí phương tiện cá nhân vào nội đô Hà Nội nhằm mục đích hạn chế phương tiện giao thông đi vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông. Giải pháp này được nhiều nước trên thế giới, trong khu vực áp dụng có hiệu quả, nhưng với nước ta vẫn là một vấn đề mới.

Hà Nội dự kiến lập 87 trạm thu phí phương tiện vào nội đô để giảm ùn tắc - Ảnh 1.

Ùn tắc giao thông ở khu vực đường Nguyễn Chí Thanh giao Trần Duy Hưng, tháng 1/2021. Ảnh: Phương Sơn

Trong đề án này, đa số các vị trí đưa ra để lập trạm thu phí nằm ở khu vực cửa ngõ vào trung tâm thành phố. Ranh giới để xác định giữa khu vực nội đô và ngoại thành là đường vành đai 3 đã được khép kín, bao gồm các tuyến đường, cầu đã được cơ quan tư vấn lên danh sách: Vành đai 3 (dưới thấp) - cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - Tây Hồ Tây - Võ Chí Công - cầu Nhật Tân - Hoàng Sa - Trường Sa - Lý Sơn - Nguyễn Văn Linh - Vành đai 3.

Trên cơ sở tuyến đường khép kín khu vực nội đô đã được xác định, tư vấn đưa ra 68 vị trí để lập tổng cộng 87 trạm thu phí phương tiện từ bên ngoài vào nội thành. Trong đó có các vị trí như: nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, nút giao Big C Thăng Long, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Giải Phóng, Cổ Linh - cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hoàng Quốc Việt, Võ Chí Công, cầu Đông Trù, cầu Chương Dương, cầu Thanh Trì… Các phương tiện đi đường vành đai 3, xe quá cảnh, không vào trung tâm sẽ không phải trả phí.

Theo đơn vị tư vấn, dự kiến thời gian thu phí xe từ 5 đến 21h hàng ngày, chia ra các khung giờ cao điểm và thấp điểm. Tại mỗi vị trí sẽ lắp đặt cổng thu phí tự động và hệ thống camera, không có người thu trực tiếp. Ôtô đi qua không phải dừng, tiền phí được trừ trong tài khoản của chủ xe.

Sau khi xác định được vị trí đặt các trạm thu phí, thời gian thực hiện, sắp tới đơn vị tư vấn tiếp tục làm việc với Sở GTVT Hà Nội và các bộ phận có liên quan để xác định cụ thể về nội dung, bản chất của loại phí mới. Cùng đó sẽ xác định rõ phạm vi thu phí, đối tượng thu phí; hình thức đầu tư các trạm thu phí, mức phí và công nghệ thu phí...

Phương án thu phí xe vào nội độ dự kiến theo 3 giai đoạn. Theo đó từ năm 2021 - 2025 nghiên cứu, hoàn thiện đề án và các điều kiện triển khai thu phí.

Từ năm 2025 - 2030 xây dựng dự án và tổ chức thí điểm thực hiện thu phí điểm tại một số vị trí, sau đó có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm.

Từ năm 2030 xây dựng dự án và bổ sung các điểm thu phí theo danh sách để dần khép kín vành đai thu phí theo mục tiêu của đề án.

Năm 2017, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Đề án tăng cường quản lý xe cá nhân đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó xác định nhiệm vụ xây dựng thu phí phương tiện cơ giới vào khu vực có nguy cơ ùn tắc, là một trong các giải pháp để hạn chế xe cá nhân và ô nhiễm môi trường.

HM (T/h)
Ý kiến của bạn
Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024 Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024

Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.