Hà Nội dự kiến tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi từ 17/4
Theo quyết định phân bổ vắc xin Moderna mới được ban hành, Hà Nội sẽ nhận 72.700 liều để ưu tiên tiêm cho trẻ 11 tuổi (lớp 6). Dự kiến ngày 17/4, Thủ đô sẽ triển khai tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ.
Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương vừa có Quyết định số 325/QĐ-VSDTTƯ về việc phân bổ 921.600 liều vắc xin Moderna phòng COVID-19 cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi do Chính phủ Australia viện trợ.
Theo quyết định phân bổ vừa được ký, TP HCM và Hà Nội là hai địa phương được phân bổ số lượng lớn nhất với lần lượt 87.500 và 72.700 liều.
Cụ thể, TPHCM 87.500 liều; Hà Nội 72.700 liều; Thanh Hoá 35.700 liều; Nghệ An 34.000 liều; Đồng Nai là 31.000 liều; Quảng Ninh 20.000 liều; Bình Dương 19.700 liều; Bắc Giang 18.600 liều; Hải Dương 18.200 liều; An Giang 17.000 liều; Nam Định 17.600 liều; Kiên Giang 16.500 liều; Gia Lai 16.200 liều… Các tỉnh, thành phố còn lại được phân bổ từ khoảng 4.000 đến 15.000 liều vắc xin.
Theo Bộ Y tế, số lượng vắc xin được phân bổ tuỳ thuộc vào tình hình dịch bệnh tại từng địa phương. Các đơn vị tiếp nhận vắc xin và tổ chức tiêm ngay số vắc xin phòng COVID-19 được phân bổ và báo cáo kết quả thực hiện về Cục Y tế dự phòng, các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố theo phân vùng quản lí.
Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cũng đưa ra lưu ý, vắc xin Moderna phân bổ đợt này (rã đông lúc 20 giờ ngày 8/4) được sử dụng để ưu tiên tiêm cho trẻ 11 tuổi (lớp 6) với liều lượng 0,25ml mỗi trẻ. Trường hợp trẻ đủ 12 tuổi sẽ tiêm liều 0,5ml theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Moderna là 1 trong 2 loại vắc xin (cùng với Pfizer) được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện sử dụng cho trẻ em từ 6 đến dưới 12 tuổi cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19. Liều sử dụng vắc xin Moderna cho trẻ em bằng 1/2 liều cơ bản so với liều sử dụng cho người lớn. Vắc xin Moderna có dạng hỗn dịch tiêm có màu trắng đến trắng ngà. Liều cho trẻ em 0,25 ml chứa 50 mcg vắc xin COVID-19 mRNA (được bọc trong các hạt nano lipid).
Dự kiến, Hà Nội sẽ triển khai tiêm vắc xin Moderna cho nhóm trẻ này vào ngày 17/4. Thủ đô có khoảng 950.000 trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12. Theo lộ trình, Hà Nội triển khai theo lứa tuổi từ cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi từ dưới 12 tuổi và hạ dần độ tuổi) theo tiến độ cung ứng vắc xin.
Địa điểm triển khai chính tại các điểm tiêm chủng lưu động ở trường học; trạm y tế hoặc cơ sở y tế cho các đối tượng trẻ không đi học, đối tượng thận trọng, trì hoãn tiêm. Bên cạnh đó, huy động các điểm tiêm chủng tại bệnh viện, phòng khám trong và ngoài công lập, các bệnh viện bộ, ngành đóng trên địa bàn, các cơ sở tiêm chủng dịch vụ và tăng cường hỗ trợ nhân viên có chứng nhận an toàn tiêm chủng tăng cường tại các điểm tiêm.
Để chuẩn bị tốt nhất cho chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, tuần qua, nhiều quận, huyện ở Hà Nội đã tổ chức tập huấn cho các cán bộ y tế các điểm tiêm cố định và lưu động về sàng lọc trước tiêm chủng và xử trí một số phản ứng sau tiêm.
Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, các phản ứng sau tiêm chủng thường gặp ở nhóm trẻ 5-11 tuổi cũng giống như nhóm tuổi từ 12 -17, đó là đau đầu, tiêu chảy, mệt mỏi, sốt, ớn lạnh... Các phản ứng này xuất hiện ở liều tiêm thứ 2 nhiều hơn liều thứ nhất, chiếm trên 10% - 50%. Tỉ lệ phản ứng chiếm khoảng dưới 10%, thường là buồn nôn, sưng tại chỗ tiêm.
Các trường hợp hiếm gặp với tỷ lệ 1/100.000 hay 1/1.000.000... là phản ứng viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, phản ứng phản vệ.
PGS Dương Thị Hồng cũng cho biết theo ghi nhận phản ứng ở nhóm trẻ này tại một số quốc gia cũng như khuyến cáo của nhà sản xuất, tỉ lệ viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim ở nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi thấp hơn nhóm 12-18 tuổi.
Tuy nhiên, ngành y tế vẫn hướng dẫn các cán bộ tiêm chủng không dựa vào tỉ lệ này mà luôn cảnh giác trong quá trình tiêm, theo dõi sau tiêm để tránh rủi ro.
HM (T/h)Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, đến 15/11, xuất khẩu gạo Việt Nam đã đạt 8,05 triệu tấn với trị giá 5,05 tỷ USD.