Hà Nội: Dự kiến xây mới 36 chợ, cải tạo 76 chợ trong năm 2024

Tài chính - Đầu tư
11:07 AM 17/12/2023

Hà Nội đặt mục tiêu năm 2024 dự kiến xây mới 36 chợ; đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp 76 chợ, đảm bảo tiêu chuẩn chợ an toàn thực phẩm theo quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy, văn minh thương mại, an ninh trật tự.

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về việc phát triển và quản lý chợ trên địa bàn thành phố năm 2024.

Trong đó, thành phố đặt mục tiêu năm 2024 dự kiến xây mới 36 chợ; đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp 76 chợ; 95% chợ được phê duyệt phương án giá sử dụng diện tích bán hàng; 100% chợ phê duyệt sửa đổi nội quy hoạt động, phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng...; 100% xã, phường, thị trấn hiện chưa có chợ nhưng có nhu cầu phát triển chợ được rà soát đưa vào danh mục mạng lưới chợ trên địa bàn thành phố…

Hà Nội dự kiến xây mới 36 chợ và cải tạo nâng cấp 76 chợ trong năm 2024. Ảnh: Thương hiệu và Pháp luật

Hà Nội dự kiến xây mới 36 chợ và cải tạo nâng cấp 76 chợ trong năm 2024. Ảnh: Thương hiệu và Pháp luật

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành chức năng, UBND các cấp huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống chợ trên địa bàn thành phố một cách tổng thể, đồng bộ cả ở nội thành và ngoại thành.

Từng bước đầu tư, cải tạo hoàn thiện mạng lưới chợ đảm bảo các chợ hiện có hoặc sẽ đầu tư cải tạo, đặc biệt là các chợ dân sinh đáp ứng được yêu cầu về: Hạ tầng kinh doanh tại chợ, khắc phục tình hình cơ sở vật chất các chợ đang xuống cấp, đáp ứng được các yêu cầu về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy, văn minh thương mại, an ninh trật tự...

Cũng liên quan đến mục tiêu nhiệm vụ năm 2024, mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch về Phát triển Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024.

Chỉ tiêu thành phố đặt ra đến cuối năm 2024 sẽ công nhận từ 5 đến 10 mô hình Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch trên địa bàn thành phố. Kinh phí thực hiện mô hình bằng nguồn ngân sách nhà nước và vốn xã hội hóa.

Thành phố giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch theo quy định của pháp luật, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, không trùng lặp, đúng mục tiêu, kết quả đề ra. Sở Công Thương tổng hợp, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện định kỳ và đột xuất theo yêu cầu của UBND thành phố và Bộ Công Thương.

Việc xây dựng Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã nhằm nâng cao năng lực trong hoạt động thiết kế sáng tạo cho các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm làng nghề phục vụ du lịch. Đây cũng là nơi tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền về quy trình sản xuất sản phẩm, quảng bá, giới thiệu về làng nghề... Trung tâm cũng là nơi bảo tồn và khôi phục, phát triển văn hóa thiết kế sáng tạo cho các sơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm làng nghề phục vụ du lịch.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn