Hà Nội: Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề quốc tế năm 2025 sẽ diễn ra từ 14 - 18/11
Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề quốc tế năm 2025 sẽ diễn ra từ ngày 14 đến 18/11/2025 tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), quy tụ hàng trăm nghệ nhân, doanh nghiệp trong nước và quốc tế với hàng loạt hoạt động quảng bá, tôn vinh giá trị làng nghề, thúc đẩy giao lưu quốc tế.
UBND TP Hà Nội và Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa ban hành Kế hoạch liên tịch số 185/KHLT-UBND-BNNMT về việc phối hợp tổ chức Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề quốc tế năm 2025.
Theo đó, Festival nhằm mục đích bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống; tôn vinh nghệ nhân, thu hút lao động trẻ; khơi dậy niềm tự hào làng nghề; thúc đẩy giao lưu quốc tế. Quảng bá sản phẩm làng nghề, phát triển du lịch làng nghề Hà Nội. Festival là hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn năm 2025.
Kế hoạch triển khai 11 sự kiện chính sẽ diễn ra trong 5 ngày từ 14 - 18/11/2025 tại Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long; 6 sự kiện bên lề dự kiến từ tháng 9/2025 đến tháng 11/2025 trên địa bàn Thành phố cùng sự tham gia của các doanh nghiệp, làng nghề, nghệ nhân, thợ giỏi tiêu biểu trong nước và quốc tế.

Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề quốc tế năm 2025 sẽ diễn ra từ ngày 14 đến 18/11/2025 tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Khánh Huy
Nội dung chương trình gồm: Festival chính: lễ dâng hương, lễ khai mạc, không gian trưng bày sản phẩm, tiếp đoàn quốc tế. Sự kiện bên lề: hội thảo, hội thi sản phẩm, hội chợ, xúc tiến đầu tư, lễ hội quốc tế Kokan - Uzbekistan, hoạt động tại các làng nghề. Sự kiện do Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì: hội thi cấp quốc gia, hội nghị xúc tiến, làm việc với địa phương, mời đại biểu Trung ương và quốc tế. Sự kiện do UBND Thành phố chủ trì: tổ chức lễ dâng hương, hội thảo, hội thi cấp thành phố, hội chợ, đón tiếp đoàn quốc tế, hoạt động tại làng nghề.
Để chuẩn bị tốt cho Festival, Ủy ban nhân dân thành phố đã giao Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố chủ trì, hướng dẫn thủ tục theo quy định và phối hợp Sở Nông nghiệp và Môi trường đón, tiếp các đoàn khách quốc tế.
Sở Nông nghiệp và Môi trường là cơ quan thường trực, tham mưu tổng thể và chủ trì tổ chức các hoạt động gồm: Xây dựng kịch bản tổng thể, thiết kế sân khấu chính và điều kiện hậu cần; chủ trì công tác trang trí, tuyên truyền trực quan tại các địa điểm tổ chức Festival và một số tuyến phố trọng điểm cũng như chủ trì tổ chức Lễ dâng hương tại Điện Kính Thiên, Hoàng thành Thăng Long, mời các làng nghề, nghệ nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài Hà Nội tham gia trưng bày, trình diễn sản phẩm.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp UBND Thành phố tổ chức, chỉ đạo đơn vị trực thuộc: Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn: thường trực, tổ chức hội thi, xúc tiến đầu tư; Văn phòng Bộ: phát hành giấy mời; Vụ Hợp tác quốc tế: mời tổ chức, đại biểu quốc tế; Vụ Tổ chức cán bộ: khen thưởng; Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường: bố trí kinh phí; Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp: tổ chức truyền thông, hội thi, lễ khai mạc. Báo Nông nghiệp và Môi trường: chủ trì truyền thông.
Các sở, ngành như Văn hóa - Thể thao, Du lịch, Xây dựng, Y tế, Công an TP... sẽ phối hợp bảo đảm về nghệ thuật, giao thông, an ninh trật tự, y tế và an toàn thực phẩm. Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Hiệp hội Xuất khẩu Thủ công mỹ nghệ Việt Nam, Hội Sinh vật cảnh... sẽ tham gia tuyển chọn nghệ nhân, giới thiệu sản phẩm, tổ chức trưng bày bonsai và hoạt động nghệ thuật.
Hà Nội có 1.350 làng nghề các loại, trong đó có những làng nghề nổi tiếng thế giới như: gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc… Hoạt động sản xuất ở các làng nghề đem lại giá trị kinh tế lớn. Mỗi làng nghề đều có thế mạnh riêng, tạo ra những sản phẩm vừa thân thiện với môi trường, vừa đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề quốc tế năm 2025 được xem là sự kiện quy mô lớn, đánh dấu bước chuyển quan trọng từ bảo tồn sang phát triển làng nghề theo hướng đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế. Không chỉ là dịp tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống, sự kiện còn mở ra không gian kết nối giữa nghệ nhân, doanh nghiệp, nhà sáng tạo và cộng đồng, thúc đẩy sự phát triển bền vững của các làng nghề trong bối cảnh kinh tế số và toàn cầu hóa.
Đây cũng là cơ hội để Hà Nội khẳng định vai trò trung tâm sáng tạo, đồng thời nâng tầm vị thế là đầu mối kết nối văn hóa và làng nghề Việt Nam với khu vực và thế giới.
Thương Huyền
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng cuối năm phải đạt 8,42% thì mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay mới đạt được, theo tính toán của Cục Thống kê (Bộ Tài chính).