Hà Nội: FTA giúp mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu
Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã và đang trở thành một công cụ quan trọng thúc đẩy hoạt động kinh doanh và thương mại quốc tế. Việc tận dụng FTA không chỉ giúp doanh nghiệp (DN) Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Hà Nội nói riêng tiếp cận, mở rộng thị trường, tăng cường cạnh tranh mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển.
Những năm qua, thực hiện đường lối đối ngoại, ngoại giao kinh tế linh hoạt, sáng tạo của Đảng, Nhà nước, Việt Nam không ngừng mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế, quan hệ hợp tác với nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới.
Đến nay, Việt Nam đã, đang tham gia 19 FTA song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới; trong đó, 16 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ kín các châu lục, chiếm gần 90% GDP toàn cầu. Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, Việt Nam tham gia vào nhiều FTA thế hệ mới quy mô lớn như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Đây là cơ hội lớn để hàng hóa xuất khẩu của các DN nói chung và các DN Hà Nội tiến sâu vào các thị trường rộng lớn. Có thể nói, tham gia FTA sẽ mang lại nhiều lợi ích cho DN.
Với vai trò là cơ quan đầu mối thực thi các FTA, thời gian qua, Sở Công Thương Hà Nội đã bám sát các chỉ đạo của Bộ Công Thương, chủ động đề xuất thành phố ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn triển khai tại địa phương để hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy các mặt hàng thế mạnh, nâng cao hiệu quả khai thác các FTA.
Cụ thể, Sở đã tham mưu, triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế, gia tăng xuất, nhập khẩu. Tiêu biểu như kết nối doanh nghiệp với các ngân hàng thương mại, các quỹ đầu tư; tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác; thông tin tình hình thị trường, các kỹ năng nâng cao năng lực cạnh tranh, sử dụng hiệu quả công cụ phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp...
Thành phố Hà Nội cũng đặc biệt chú trọng hỗ trợ, thúc đẩy mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở hầu hết các ngành và các lĩnh vực kinh tế, từng bước đưa khu vực kinh tế này thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, một lực lượng nòng cốt tham gia khai thác hiệu quả thị trường các FTA.
Đánh giá tiềm năng, cơ hội mang lại cho doanh nghiệp Thủ đô từ các Hiệp định FTA, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cho rằng, việc tận dụng cơ hội từ các FTA không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường quốc tế đang có nhiều biến động như hiện nay.
Trong đó, các FTA sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như: Cung cấp cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận các thị trường mới, giảm thuế quan và rào cản thương mại… Điều này, giúp tăng cường khả năng xuất khẩu của doanh nghiệp, giúp gia tăng doanh số bán hàng, quy mô hoạt động. Cùng với đó, khi tận dụng tốt cơ hội từ FTA, doanh nghiệp có thể tiếp cận các nguồn hàng giá rẻ, công nghệ tiên tiến từ các đối tác FTA và điều này giúp cải thiện năng suất lao động, tăng cường chất lượng sản phẩm, nâng cao cạnh tranh trên thị trường quốc tế…
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Công Thương Hà Nội, số lượng doanh nghiệp của Hà Nội có giao dịch xuất khẩu với các nước ký kết FTA còn hạn chế và chưa xứng với tiềm năng, đồng thời số doanh nghiệp hưởng ưu đãi thuế quan theo các FTA chưa nhiều.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Hà Nội vẫn tập trung vào các thị trường truyền thống, chưa thích ứng với những thị trường có FTA…
Để doanh nghiệp Thủ đô tận dụng tốt các FTA, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội kiến nghị, thành phố Hà Nội cần rà soát toàn bộ các văn bản, hướng dẫn của Hiệp định mang lại và cần tổ chức công tác đào tạo, tuyên truyền một cách cụ thể, bài bản hơn, sâu rộng hơn. Cùng với đó, tăng cường liên kết, đào tạo, hợp tác giữa các doanh nghiệp Hà Nội và các doanh nghiệp trong khối để họ có thể trao đổi thông tin thường xuyên liên tục.
Ngoài ra, Hà Nội cũng cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, mở văn phòng đại diện tại các nước trong khối thực hiện FTA, từ đó có thể kết nối các tham tán, đại sứ quán để làm sao thông tin được nhanh chóng, kịp thời hơn, đỡ gây ảnh hưởng đến hoạt động của các nước trong khối.
Đặc biệt, phải đầu tư cho đổi mới sáng tạo bởi nếu không đổi mới sáng tạo không cập nhật kịp thời những xu hướng mới thì những sản phẩm sẽ trở nên lạc hậu, sẽ không đủ sức cạnh tranh trong khi thế giới thay đổi liện tục…
Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thời gian tới, ngành công Thương Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung tuyên truyền, thông tin về mặt hàng và thị trường cũng như những ưu đãi thuế quan theo các FTA để doanh nghiệp biết được cơ hội đang ở đâu, ở thị trường nào và nhóm hàng nào, doanh nghiệp cần đáp ứng những điều kiện gì về quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan...; theo dõi sát tình hình của doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc để chủ động tháo gỡ, hỗ trợ theo thẩm quyền.
Đồng thời, đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, nhất là thị trường các FTA để hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác, đẩy mạnh cơ hội hợp tác, xuất khẩu.
Thương HuyềnViệt Nam nằm trong top 30 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới với vị trí 23. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 354 tỷ USD hàng hóa, chiếm tỷ trọng 1,5% toàn cầu.