Hà Nội gắn biển phố mới vinh danh Thái sư Lưu Cơ
Ngày 21/10, UBND quận Bắc Từ Liêm tổ chức trang trọng Lễ công bố quyết định gắn biển tên phố Lưu Cơ, nằm trong khu đô thị trung tâm mới và hiện đại nhất ở quận Bắc Từ Liêm. Tới dự có bà Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; ông Lưu Ngọc Hà, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm; đại diện các cấp ngành Thành phố và quận Bắc Từ Liêm cùng đông đảo bà con dòng họ Lưu trên cả nước.
Lịch sử dân tộc thế kỷ X nổi lên vị danh nhân đặc biệt - Thái sư Lưu Cơ. Ngài là "Bậc nhất khai quốc công thần của nhà Đinh", là vị tướng quân thao lược góp công to lớn phò tá Đinh Bộ Lĩnh bình định 12 sứ quân, lập nên nước Đại Cồ Việt, nhà nước tập quyền độc lập, tự chủ đầu tiên của nước ta.
Thân thế và vai trò lịch sử đặc biệt của Thái sư Lưu Cơ
TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, cho rằng: Rất may mắn cho chúng ta sưu tầm được bản thần tích rất hiếm hoi về Tuy lộc Đại vương Thái sư Lưu Cơ hiện nay đang lưu ở đình làng Đại Từ (Văn Lâm, Hưng Yên); trong đó vẫn còn ghi được về ngày sinh và ngày mất của Ngài.
Theo bản thần tích này, thì Lưu Cơ là con cầu tự của ông Lưu Kỳ và bà Lê Thị Phương, quê ở làng Tri Hối (Gia Viễn, Ninh Bình). Lưu Cơ sinh ra nhằm ngày 3 tháng Giêng năm 940, lớn lên được cha mẹ cho học chữ ở làng rồi tham gia lực lượng của Đinh Bộ Lĩnh từ lúc 20 tuổi, đã lập công lớn trong việc dẹp loạn sứ quân Lý Khuê (Lý Lãng Công) ở Siêu Loại (Thuận Thành, Bắc Ninh ngày nay). Ông làm quan đến khoảng 70 tuổi thì cáo lão về hưu, sau đó mất vào ngày 24 tháng Chạp năm Quý Sửu (đầu năm 1014 dương lịch), hưởng thọ 73 tuổi.
Trong những năm gần đây, nhất là dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, các nhà khoa học, chuyên gia và các nhà nghiên cứu chuyên ngành, trong đó có Hội đồng Lưu Tộc Việt Nam đã nghiên cứu bổ sung và tổng hợp tư liệu cụ thể hơn về Thái sư Lưu Cơ.
Đặc biệt, ngày 15/5/2022 tại Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với Hội đồng Lưu Tộc Việt Nam và Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội đã tổ chức thành công Hội thảo "Vai trò lịch sử của Thái sư Lưu Cơ". Tham dự Hội thảo có 18 báo cáo khoa học và tham luận của các chuyên gia đầu ngành về lịch sử, văn hoá và khảo cổ học của Việt Nam và nhiều lãnh đạo của các cơ quan của Quốc hội, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, UBNDTP Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội đồng Di sản văn hoá Quốc gia và Cục Di sản văn hoá...
Tại Hội thảo, GS TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, đã trích dẫn Đại Việt sử ký toàn thư để khẳng định Thái sư Lưu Cơ là một trong bậc nhất khai quốc công thần nhà Đinh, một trong tứ trụ triều đình gồm Tể tướng Nguyễn Bặc, Thái sư Lưu Cơ, Ngoại giáp Đinh Điền và Thượng thư Trịnh Tú.
Theo Việt sử lược, năm 971, Lưu Cơ được phong đầu tiên chức danh "Thái sư Đô hộ phủ sĩ sư", vừa cai quản thành Đại La (An Nam Đô hộ phủ) suốt 40 năm qua ba triều đại từ nhà Đinh, nhà Tiền Lê sang tới nhà Lý, vừa đảm trách hình án trong triều.
Có thể nói, chính Thái sư Lưu Cơ đã xoay cổng thành Đại La từ hướng bắc quay về hướng về phía Nam, vừa hướng về kinh đô Hoa Lư của nước Đại Cồ Việt, vừa thể hiện chiến lược phát triển bền vững lâu dài của nước ta. Đức Ngài là người "trao chìa khóa" thành Đại La cho vua Lý Công Uẩn khi dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Tuy nhiên, do bối cảnh lịch sử, hầu như sau đó không thấy sử sách nước ta nhắc đến tên tuổi Thái sư Lưu Cơ.
Thái sư Lưu Cơ xứng đáng được hậu thế vinh danh
Thực hiện Nghị quyết Kỳ họp thứ 12 của HĐND Thành phố, UBND Thành phố Hà Nội đã ra Quyết định số 4136 ngày 17/8/2023 về việc đặt tên một số đường phố năm 2023, trong đó có phố Lưu Cơ nằm trong khu đô thị trung tâm mới và hiện đại nhất ở quận Bắc Từ Liêm. Phố Lưu Cơ dài 1.160m, rộng 24m (lòng đường 14m, vỉa hè mỗi bên 5m). Đây là một phố từ ngã ba giao cắt đường Hoàng Minh Thảo đối diện Tòa nhà NO1-T3, Khu đô thị Ngoại giao đoàn đến ngã tư giao cắt đường tiếp nối đường Xuân Tảo - Phạm Văn Đồng.
Và ngày 21/10, UBND quận Bắc Từ Liêm cùng các cấp ngành Thủ đô tổ chức trang trọng lễ công bố quyết định và gắn biển tên phố Lưu Cơ. Đây là sự kiện tôn vinh công trạng to lớn với lịch sử dân tộc của Thái sư Lưu Cơ, đáp ứng lòng mong mỏi bấy lâu của các tầng lớp người nhân dân và đông đảo người họ Lưu ở trong và ngoài nước.
Tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đã trao Quyết định của UBND Thành phố Hà Nội về việc đặt tên đường phố cho UBND quận Bắc Từ Liêm
Theo báo cáo của bà Lê Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm, việc đặt tên đường phố luôn là vấn đề quan trọng, cần thiết trong đời sống nhân dân cũng như công tác quản lý đô thị, nhất là ở một thành phố lớn có bề dày lịch sử như Thủ đô Hà Nội. Thời gian tới, quận Bắc Từ Liêm đẩy mạnh công tác chỉnh trang đường phố, thực hiện tốt nếp sống văn minh đô thị nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị tại các tuyến đường, phố đã được đặt tên.
TS. Lưu Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Lưu tộc Việt Nam, bày tỏ, dòng họ Lưu Việt Nam cảm động và tự hào khi được Thành phố Hà Nội và quận Bắc Từ Liêm tổ chức trang trọng Lễ công bố và gắn biển tên phố mới, trong đó có phố Lưu Cơ.
TS Lưu Văn Thành nói "Bên phải phố Lưu Cơ là những lô đất rất lớn dành cho xây dựng các cao ốc đồ sộ của cơ quan hành chính mới của Hà Nội. Sự kiện này vô cùng ý nghĩa với mốc thời gian trên 1.050 năm về trước Thái sư Lưu Cơ đã cai quản thành Đại La. Tới đây, dòng họ Lưu Việt Nam mong muốn sớm có hình thức phù hợp ghi nhận dấu tích của Đức Lưu Cơ tại Hoàng thành Thăng Long…"
Đến nay, Thái sư Lưu Cơ đã được đặt tên đường phố tại trung tâm TP Ninh Bình và được thờ tại nhiều di tích lịch sử - văn hoá. Hà Nội là địa danh lưu giữ nhiều dấu tích của Ngài. Ngoài Hoàng thành Thăng Long, Thái sư còn được phối thờ tại đình Bát Tràng (Đức Lưu Thiên Tử), được tôn thờ Thành hoàng làng tại di tích đình - đền Hoàng Trung, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai...
Ngày 21/10, thực hiện Quyết định số 4136/QĐ-UBND ngày 17/8/2023 của UBND TP Hà Nội, quận Bắc Từ Liêm đã hoàn thành việc công bố đặt tên đối với 4 tuyến phố: Nguyễn Duy Thì, Lưu Cơ, Dương Văn An (thuộc phường Xuân Tảo) và phố Phạm Tiến Duật (thuộc phường Cổ Nhuế 2). Tính đến nay, quận Bắc Từ Liêm có tổng số 76 tuyến đường, phố được đặt tên gồm 39 tên phố và 37 tên đường, trong đó 24 tên danh nhân, 52 tên địa danh.
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.