Hà Nội: Gia tăng sản phẩm OCOP, nâng tầm giá trị nông sản chủ lực

Địa phương
09:32 AM 20/07/2023

Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đến nay, TP Hà Nội đã thu được nhiều kết quả tích cực. Số lượng sản phẩm OCOP và hiệu quả sản xuất kinh tế ngày một tăng, các mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương đã được nâng tầm, từng bước có chỗ đứng vững chắc ở thị trường trong và ngoài Thủ đô.

Hà Nội dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP 

Những năm qua, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đã được các cấp, ban ngành TP Hà Nội lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; từ đó tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng, được người dân đồng tình hưởng ứng tích cực tham gia thực hiện. 

Bên cạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, các cấp, các ngành của TP còn thường xuyên quan tâm hỗ trợ, định hướng việc phát triển các sản phẩm OCOP trên cơ sở lợi thế, thế mạnh của từng địa phương. Đặc biệt, các hoạt động quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm được đẩy mạnh đã có ý nghĩa không nhỏ trong việc giải quyết đầu ra, mở rộng tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Hà Nội: Gia tăng sản phẩm OCOP, nâng tầm giá trị nông sản chủ lực - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, đến nay cả nước có 9.160 sản phẩm OCOP của 4.704 chủ thể sản xuất OCOP, trong đó 1.818 hợp tác xã (chiếm 38,6%), 1.194 doanh nghiệp (25,4%), còn lại 1.563 cơ sở sản xuất (chiếm 33,2%) và các tổ hợp tác… Trong đó 65,5% sản phẩm 3 sao và chỉ có 0,2% sản phẩm đạt 5 sao. 

Thay vì sản xuất những sản phẩm thô, gần đây nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã chuyển sang hướng sản phẩm xanh, sạch, thậm chí tinh chế nhằm bắt nhịp xu hướng tiêu dùng, qua đó tạo sức bật xuất khẩu cho thương hiệu.

Tại TP Hà Nội, hiện tại đã có 2.167/9.852 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, chiếm 22% của cả nước. Trong đó có 6 sản phẩm được Trung ương công nhận 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao, 780 sản phẩm 3 sao. Đặc biệt, tỷ lệ sản phẩm OCOP 4 sao của cả nước là 32%, Hà Nội gần gấp đôi với tỷ lệ 62%. Điều này cho thấy, TP. Hà Nội phát triển chương trình OCOP cả về số lượng và chất lượng. 

Riêng năm 2022, thành phố công nhận 518 sản phẩm của 19 chủ thể được phân hạng và cấp Giấy chứng nhận đạt từ 3 sao OCOP trở lên. Trong số này, có 1 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao, là Đông trùng hạ thảo sấy đông khô của Công ty Cổ phần Dược thảo Thiên Phúc tại xã Phú Nam An (huyện Chương Mỹ). Bên cạnh đó, có 271 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 246 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Hà Nội vượt chỉ tiêu kế hoạch 118 sản phẩm (mỗi năm có 400 sản phẩm). 

Hà Nội: Gia tăng sản phẩm OCOP, nâng tầm giá trị nông sản chủ lực - Ảnh 2.

TP Hà Nội trao quyết định công nhận cho 518 sản phẩm OCOP năm 2022 (vượt chỉ tiêu kế hoạch 118 sản phẩm).

So sánh tỷ lệ sản phẩm OCOP 4 sao của cả nước là 32%, thì của Hà Nội là 62%, chứng tỏ thành phố phát triển chương trình này không chỉ về số lượng, mà còn cả chất lượng.  

Ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, hàng năm, thành phố Hà Nội luôn quan tâm, tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP giúp cho các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng. Qua đó, nhiều sản phẩm OCOP đã được người tiêu dùng nhận diện và tiêu thụ. Đến nay, thành phố Hà Nội đã khai trương đi vào hoạt động được 85 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP. 

Chương trình OCOP không chỉ giúp cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất xây dựng được thương hiệu, tạo công ăn việc làm cho người lao động, mà còn giúp duy trì, phát huy được những giá trị tiềm năng của các nghề, làng nghề truyền thống, đặc sản vùng miền tạo ra nguồn sản phẩm phong phú, chất lượng cho thị trường trong nước. 

Nâng tầm sản phẩm OCOP 

Sở hữu nhiều sản phẩm OCOP được xem là một lợi thế, nhưng cũng đặt ra cho thành phố không ít thách thức trong khâu tiêu thụ các sản phẩm. Vì vậy, để hỗ trợ sản phẩm OCOP, thành phố đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, đầu tư, thương mại, du lịch… ở quy mô cấp thành phố và cấp quốc gia. Một mặt giúp đưa sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng, mặt khác kích thích sản xuất, tăng trưởng kinh tế khu vực nông thôn. 

Hà Nội: Gia tăng sản phẩm OCOP, nâng tầm giá trị nông sản chủ lực - Ảnh 3.

Đại biểu cắt băng khai mạc, trưng bày, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP

Ngoài việc tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia chuỗi liên kết sản xuất, xúc tiến đầu tư, thương mại, quảng bá sản phẩm, thành phố Hà Nội còn là điểm đến của các hội chợ thương mại. Việc tham gia các hội chợ thương mại tại Hà Nội chính là cơ hội để công ty tìm kiếm thêm được nhiều thị trường, đại lý và giới thiệu sản phẩm rộng rãi đến người tiêu dùng.

Trong quá trình khẳng định, nâng tầm thương hiệu sản phẩm, nhiều doanh nghiệp còn phát triển các sản phẩm OCOP theo hướng đầu tư công nghệ, liên kết sản xuất nhằm đem lại giá trị, hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao chất lượng, giúp sản phẩm có được nét đặc sắc riêng. 

Đơn cử như Công ty cổ phần nông nghiệp Việt Nam Gigaherbs đã xây dựng và phát triển vùng trồng tía tô, rau má thành những "tinh hoa thảo dược", nguồn "vàng xanh" cho nông nghiệp Thủ đô. 

Hà Nội: Gia tăng sản phẩm OCOP, nâng tầm giá trị nông sản chủ lực - Ảnh 4.

Sản phẩm từ rau má, tía tô của Công ty cổ phần nông nghiệp Việt Nam Gigaherbs được thị trường đón nhận - Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Năm 2022, công ty đã có 4 sản phẩm được đánh giá, chứng nhận OCOP 4 sao là: Trà bổ phế, trà rau má cà gai leo, trà rau má tía tô, bột rau má đậu xanh collagen. Sau khi được công nhận OCOP, các sản phẩm đã được thị trường đón nhận và tạo cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, xây dựng được thương hiệu. 

Năm 2023, công ty tiếp tục đăng ký từ 3 đến 5 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP. Trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục kết hợp với Viện nghiên cứu ứng dụng thảo dược để cho ra đời nhiều sản phẩm nguyên liệu từ thiên thiên.  

Nói về các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao, bà Phạm Thị Lý – Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, từ năm 2017, HTX Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương đã bắt tay vào mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi liên kết. 

Sau 2 năm triển khai, đến nay các sản phẩm rau hữu cơ của HTX đã khẳng định được chất lượng, tạo niềm tin với người tiêu dùng. Năm 2021, HTX đã có 3 sản phẩm: Su hào sinh học Tiên Dương, cà chua sinh học Tiên Dương, cải bó xôi sinh học Tiên Dương được UBND TP Hà Nội đánh giá, phân loại và quyết định công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Đặc biệt, từ khi các sản phẩm được xếp hạng OCOP 4 sao, đều đã tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, qua đó giúp HTX phát triển mạnh hơn. 

Để chương trình OCOP phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, thời gian tới thành phố sẽ tiếp tục tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các chủ thể triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến chương trình OCOP; đồng thời, gắn với công tác đào tạo, tập huấn và tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế, hỗ trợ giới thiệu và đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, các điểm du lịch... 

Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội đồng hành cùng bài viết này.

Ngô Huy
Ý kiến của bạn
Lo ngại giá cà phê tăng cao gây đứt gãy chuỗi cung ứng Lo ngại giá cà phê tăng cao gây đứt gãy chuỗi cung ứng

Giá cà phê những ngày đầu tháng 5 đã đạt mức cao kỷ lục, trên 131.000 đồng/kg. Đây là niềm vui cho người trồng cà phê nhưng lại là áp lực cho doanh nghiệp thu mua và gây nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng.