Hà Nội: Giải ngân đầu tư công đạt 28,7% kế hoạch
Năm 2024, để đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công trên 95% kế hoạch, thành phố Hà Nội đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, đặc biệt là các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, giá đất…
Theo UBND TP. Hà Nội, kết quả giải ngân đầu tư công năm 2024 đến hết ngày 31/7 của toàn thành phố là 23.290 tỷ đồng, đạt 28,7% kế hoạch được Trung ương giao.
Trong tổng vốn đã giải ngân, kết quả giải ngân phần vốn ngân sách Trung ương là 598 tỷ đồng, đạt 6,3% kế hoạch, bao gồm vốn trong nước 389 tỷ đồng, đạt 5,5% kế hoạch, và vốn ODA cấp phát 208 tỷ đồng, đạt 8,9% kế hoạch.
Kết quả giải ngân phần vốn cân đối ngân sách địa phương là 22.692 tỷ đồng, đạt 31,7% kế hoạch, bao gồm vốn ODA vay lại giải ngân 912 tỷ đồng, đạt 58,8% kế hoạch, và vốn cân đối ngân sách địa phương (trong nước) khoảng 21.780 tỷ đồng, đạt 31,1% kế hoạch.
UBND TP. Hà Nội cho biết, con số 23.290 tỷ đồng cao hơn lũy kế giải ngân cùng kỳ năm 2023 (tính đến ngày 31/7/2023) là 5.163 tỷ đồng (năm 2023, lũy kết giải ngân đến ngày 31/7/2023 là 18.127 tỷ đồng) nhưng vẫn thấp hơn so với ước giải ngân 7 tháng của cả nước (29,7%).
Nguyên nhân được UBND TP. Hà Nội lý giải là do năm 2024, Trung ương giao kế hoạch vốn cho TP Hà Nội cao hơn 1,73 lần so với năm 2023, đồng thời ngay từ các tháng đầu năm, TP đã tập trung thực hiện giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 kéo dài và các dự án đang tích lũy khối lượng để thanh toán.
Năm 2024, TP. Hà Nội đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công trên 95%, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội. Để đạt mục tiêu đề ra, thành phố đang nỗ lực triển khai các nhiệm vụ trọng tâm gồm: Đẩy nhanh công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư để đảm bảo điều kiện bố trí kế hoạch vốn theo quy định. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện của các công trình trọng điểm và quyết liệt triển khai các dự án trong từng ngành, lĩnh vực, đặc biệt các dự án có kế hoạch vốn lớn. Tập trung giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án; gồm cả dự án cấp TP, dự án ngân sách TP hỗ trợ mục tiêu cấp huyện, dự án ngân sách cấp huyện. Nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công.
Bên cạnh đó, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TP; sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của các cấp, các ngành, các chủ đầu tư, xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Trong đó, quan trọng nhất là phải sâu sát để nhận diện rõ khó khăn, vướng mắc ở từng khâu, trách nhiệm giải quyết của từng đơn vị và tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Đến nay, TP Hà Nội đã có hệ thống dữ liệu thông tin về khó khăn, vướng mắc của các dự án. Trên cơ sở đó, UBND TP đã có Kế hoạch số 143 chỉ đạo rất toàn diện để thúc đẩy kế hoạch đầu tư công trung hạn, năm 2024, năm 2025 và cả chuẩn bị cho giai đoạn 2026-2030.
Minh AnThành phố thông minh là một trong những xu thế phát triển chủ đạo của các đô thị trên thế giới cũng như trong khu vực. Việt Nam là một trong những quốc gia đón đầu xu hướng này, và đang có nhiều chuyển biến tích cực cả về chính sách, môi trường đầu tư lẫn việc nghiên cứu, triển khai và ứng dụng thực tế tại các tỉnh, thành.