Hà Nội: Giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng

Địa phương
08:41 AM 15/11/2024

Triển khai Công điện số 112 của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội ban hành Văn bản số 3766 yêu cầu tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công kéo dài; khẩn trương hoàn thành, đưa vào sử dụng, chống lãng phí, thất thoát.

Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, tập trung giải quyết dứt điểm các tồn tại, sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công kéo dài, trụ sở, công sở… theo chỉ đạo tại Công điện số 112/CĐ-TTg.

Hà Nội: Giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Nhân dân

Thành phố yêu cầu rà soát, thống kê toàn bộ các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công kéo dài, thuộc phạm vi, địa bàn quản lý (bao gồm các dự án đầu tư công, dự án đầu tư ngoài ngân sách) chậm triển khai, chậm đầu tư xây dựng, chưa hoàn chỉnh theo dự án, quy hoạch được duyệt; các khu công viên đã đầu tư xây dựng nhưng chưa khai thác, sử dụng các ô đất quy hoạch công viên chưa đầu tư xây dựng,…

Trên cơ sở đó, các đơn vị báo cáo rõ nguyên nhân, khẩn trương xây dựng kế hoạch, biện pháp khắc phục, xử lý ngay, dứt điểm các vướng mắc, tồn tại (trong đó xác định rõ trách nhiệm, nội dung công việc, tiến độ, thời gian hoàn thành, đơn vị thực hiện để làm cơ sở đôn đốc, kiểm tra, giám sát và đánh giá), có báo cáo bằng văn bản gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 25/11, để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố.

Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị thực hiện; tổng hợp, phân loại các dự án đầu tư, nguyên nhân tồn đọng, dừng thi công kéo dài, đề xuất phương án xử lý, giải quyết, báo cáo UBND thành phố trước ngày 30-11.

Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng có trách nhiệm rà soát, thống kê toàn bộ các công trình trụ sở, công sở, diện tích nhà thuộc sở hữu nhà nước không sử dụng, hoặc sử dụng chưa hiệu quả; đề xuất kế hoạch, biện pháp khắc phục, sắp xếp, khai thác (trong đó xác định rõ trách nhiệm, nội dung công việc, tiến độ, thời gian hoàn thành, cơ quan thực hiện để làm cơ sở đôn đốc, kiểm tra, giám sát và đánh giá); có báo cáo bằng văn bản gửi về Sở Tài chính trước ngày 25-11, để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố.

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị có liên quan kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị thực hiện; tổng hợp, phân loại nguyên nhân không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, đề xuất phương án xử lý, giải quyết, báo cáo UBND thành phố trước ngày 28/11.

Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, kiểm tra, hướng dẫn các sở, ban, ngành, địa phương rà soát, xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức để dự án, công trình chậm tiến độ kéo dài; trụ sở, công sở, diện tích nhà thuộc sở hữu nhà nước không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả; báo cáo UBND thành phố theo quy định.

Trước đó, ngày 30/10, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh - Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Ủy ban nhân dân thành phố, chủ trì phiên họp về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với một số dự án đầu tư trên địa bàn Hà Nội.

Đó là Dự án đầu tư xây dựng Công viên văn hóa, du lịch vui chơi giải trí Kim Quy (xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh); Dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở cho học sinh, sinh viên tại Khu đô thị Pháp Vân-Tứ Hiệp (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai); Dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở tái định cư thuộc Khu đô thị Đền Lừ III (quận Hoàng Mai); Dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp hỗn hợp trung tâm thương mại, dịch vụ, văn hóa tại số 148 phố Giảng Võ (quận Ba Đình); Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (huyện Thạch Thất).

Minh An
Ý kiến của bạn
Kinh tế số có thể đem lại 74 tỷ USD cho Việt Nam vào năm 2030 Kinh tế số có thể đem lại 74 tỷ USD cho Việt Nam vào năm 2030

Theo nghiên cứu về nền kinh tế số Việt Nam của tập đoàn Google, dự báo đến năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt đến 1.733 nghìn tỷ đồng, tương đương 74 tỷ USD.