Hà Nội: Giữ lửa "lò rèn" làng nghề cơ kim khí Phùng Xá

Địa phương
05:16 PM 29/10/2023

Làng Vĩnh Lộc thuộc xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội, xưa có tên gọi là làng Lọc (chữ lọc có nghĩa là chắt lọc hương khí của đất trời, chắt lọc thế đất của người xưa). Ngoài nghề trồng lúa, làng còn có nghề rèn sắt nổi tiếng.

Tự hào làng nghề truyền thống

Những ngày tháng 9 âm lịch, người dân Vĩnh Lộc (Phùng Xá - Thạch Thất) tất bật chuẩn bị cho ngày giỗ cụ Trạng - Phùng Khắc Khoan (24/9 âm lịch). Phùng Khắc Khoan đã cải tiến nghề truyền thống của ông cha, dạy dân làng Vĩnh Lộc biết làm cuốc, xẻng, cày bừa... 

Tương truyền rằng, ngày xưa, trong thời gian đi xứ Trung Quốc, Trạng Bùng - Phùng Khắc Khoan (1528-1613) đã học tập được kỹ thuật sản xuất cày bừa của người Trung Quốc. Sau khi về nước, cụ đã truyền dạy lại nghề này cho dân làng Vĩnh Lộc, Phùng Xá (Thạch Thất). Từ đó, Phùng Xá được biết đến với nghề cơ kim khí sản xuất ra cày, bừa, cuốc, xẻng nhưng quy mô vẫn dừng lại ở hộ gia đình, nhỏ lẻ.

Hà Nội: Giữ lửa "lò rèn" cho làng nghề cơ kim khí Phùng Xá - Ảnh 1.

Phùng Xá đang tiếp tục phát triển nghề cơ kim khí xây dựng nông thôn mới. Ảnh: BT

Hơn 400 năm nay, người dân làng Vĩnh từ thế hệ này sang thế hệ khác chuyên tâm vào cơ nghiệp ông cha. Dân làng đùa vui rằng, cái nghề đúc rèn sắt thép ăn vào máu nên chỉ biết mỗi nghề cơ khí chứ không biết tằm tang cấy cày như những vùng quê khác.

Vào thời kỳ trước những năm 1957-1958, nghề cơ kim khí ở làng không được phát huy buộc người dân Phùng Xá phải đi khắp nơi mở xưởng cơ khí làm ăn xa quê để kiếm sống.

Ông Tuấn, một người dân làng Vĩnh Lộc, kể lại: Vào những năm 1970, kinh tế hợp tác xã phát triển, nghề kim khí lại lên ngôi. Trước đó, nông dân Phùng Xá vẫn phải nhập sắt, gang, răng bừa từ nơi khác đưa về. Thời gian này, cày bừa Phùng Xá bán rất chạy, sản phẩm của làng nghề đã được tiêu thụ ở nhiều tỉnh thành trong cả nước để phục vụ sản xuất.

Từ những năm 1980, cơ chế thị trường mở ra hướng làm ăn mới cho dân làng Phùng Xá. Một số lò nấu thép, đúc gang, cán kéo sắt thép đã ra đời để sản xuất dụng cụ cày bừa như lưỡi cày, răng bừa.

Phùng Xá đã sản xuất thêm được loại máy tuốt lúa với ưu điểm nhẹ, dễ mang vác lại ít tiếng ồn được cả nước biết tiếng. Những sản phẩm có tiếng càng thôi thúc người dân làng Phùng Xá vươn xa hơn, tìm tòi ra những sản phẩm mới.

Năm 2002, UBND xã Phùng Xá đề xuất lên UBND huyện Thạch Thất về dự án thành lập điểm công nghiệp cơ kim khí. Sau khi làm đầy đủ thủ tục thì xã làm chủ đầu tư và tiến hành đấu thầu. Năm 2006, chính quyền xã bàn giao lại các ô đất cho người dân. Gần 400 hộ trong làng nghề Vĩnh Lộc chuyển ra điểm công nghiệp cơ kim khí Phùng Xá rộng hơn 11 ha.

Nếu như trước kia ở đây, người ta làm ăn nhỏ lẻ, manh mún chỉ với một vài mặt hàng như dao, liềm, quốc, xẻng, cày bừa thì hiện nay các mặt hàng phong phú hơn, mẫu mã đẹp hơn nhưng vẫn ở dạng thô, đơn giản như cửa xếp, tấm lợp, lưới thép… Hộ nhận sản xuất máy đột dập, máy cán nóng, cán ren…Có hộ lại nhận gia công các mặt hàng cơ kim khí (cắt, chặt, đột dập, bản mã) ; làm chi tiết kết cấu (khung nhà thép, mái lán, nhà xưởng…) hoặc có cơ sở lại kinh doanh tôn kim khí.

Bảo tồn và phát huy những giá trị của làng nghề

Thạch Thất là huyện ngoại thành nằm ở phía Tây Thủ đô Hà Nội gồm 22 xã và 1 thị trấn. Toàn huyện có tổng số 59 làng thì có đến 50 làng là làng nghề, trong đó 10 làng nghề được tỉnh Hà Tây trước đây và thành phố Hà Nội công nhận “Làng nghề truyền thống”.

Hà Nội: Giữ lửa "lò rèn" cho làng nghề cơ kim khí Phùng Xá - Ảnh 2.

Phối cảnh nhà tổ nghề cơ kim khí Phùng Xá

Theo ông Trần Văn Sửu - Chủ tịch Hội Làng nghề cơ kim khí Vĩnh Lộc - Phùng Xá: Những người con Vĩnh Lộc luôn khắc ghi và trân trọng những giá trị truyền thống mà ông cha để lại, Để từ những giá trị ấy, thế hệ chúng tôi tiếp nối, bảo tồn và phát huy những sản phẩm ngày một tốt hơn, phù hợp với thị trường, được người dân cả nước đón nhận.

Hiện nay, trên địa bàn có khoảng 378 cơ sở sản xuất cơ kim khí, tạo công ăn việc làm cho trên 3000 lao động với mức lương trung bình 9,5 triệu đồng/người/tháng.

Đến nay, 100% số hộ sản xuất ở Phùng Xá đã áp dụng các loại máy móc tự động, bán tự động nên năng suất lao động đã tăng lên hàng chục, hàng trăm lần so với sản xuất thủ công của ngày xưa. Ngoài việc sản xuất sản phẩm cơ khí, Phùng Xá còn trở thành địa chỉ tin cậy trong việc sửa chữa và sáng chế các loại máy móc cơ khí. 

Làng nghề cơ kim khí Phùng Xá chỉ yên ắng trong hai trường hợp. Một là khi đêm xuống. Hai là mất điện.  Ban ngày, cả một vùng quê náo động bởi tiếng dập sắt, tôn, inox còn ngoài đường thì nhộn nhịp xe tải vào ra.

Làng nghề truyền thống của huyện Thạch Thất với nhiều ưu thế đã và đang góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc và thúc đẩy thiết kế sáng tạo trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Huyện Thạch Thất sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, nhất là người dân ở các làng nghề về vị trí, vai trò và giá trị văn hóa của các sản phẩm thủ công truyền thống của làng nghề. Phát huy tính sáng tạo, bồi đắp tình cảm qua các thế hệ người dân làng nghề, góp phần bảo tồn và phát triển các làng nghề Thủ đô trong bối cảnh mới.

Minh Đăng
Ý kiến của bạn
Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06 Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06

Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.