Hà Nội: GRDP 6 tháng đầu năm tăng 5,97%, kinh tế nhiều điểm sáng

Địa phương
09:20 AM 29/06/2023

6 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế của TP Hà Nội có nhiều khởi sắc, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2023 ước tính tăng 5,97% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực dịch vụ, du lịch tiếp tục là điểm sáng đóng góp quan trọng trong tăng trưởng của TP.

Kinh tế Hà Nội thời gian qua gặp nhiều tác động như thị trường xuất khẩu sụt giảm, sức mua của thị trường nội địa, sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, có xu hướng tăng chậm lại...

Trước tình hình đó, thành phố Hà Nội đã triển khai quyết liệt các nghị quyết, kết luận của Trung ương và thành phố, chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh các chương trình phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Nhờ đó, kinh tế-xã hội thành phố tiếp tục phục hồi, an sinh xã hội được bảo đảm.

Thông tin tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế xã hội TP Hà Nội 6 tháng, Cục trưởng Cục Thống kê TP Hà Nội Đậu Ngọc Hùng cho biết: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong 6 tháng đầu năm tăng 5,97% so với cùng kỳ năm trước. GRDP 6 tháng đầu năm nay tuy thấp hơn mức tăng 7,10% của cùng kỳ năm 2022, nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, mức tăng trưởng này với xu hướng duy trì đà tăng trưởng qua các quý là rất quan trọng và đáng ghi nhận (Quý I/2023 tăng 5,95%; quý II /2023 tăng 5,97%).

Hà Nội: GRDP 6 tháng đầu năm tăng 5,97%, kinh tế nhiều điểm sáng - Ảnh 1.

Cục Thống kê Hà Nội công bố số liệu kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2023.

Những tháng đầu năm, hầu hết các thị trường xuất, nhập khẩu lớn và truyền thống của Hà Nội giảm sút. Sang quý II, tình hình được cải thiện hơn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 13,1 tỷ USD, tăng 6,3% so với quý trước nhưng vẫn giảm 17,5% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 25,5 tỷ USD, giảm 12,4% so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 8,1 tỷ USD, giảm 2,7%; nhập khẩu đạt 17,4 tỷ USD, giảm 16,3%.

Sản xuất của một số ngành công nghiệp chủ lực gặp khó khăn do đầu ra, đơn hàng xuất khẩu sụt giảm; tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,3%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,9%; chỉ số tiêu thụ giảm 1,3%.

Khu vực công nghiệp và xây dựng 6 tháng đầu năm 2023 ước tính tăng 3,28% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 2,38%; quý II tăng 4,04%), đóng góp 0,65 điểm % vào mức tăng GRDP. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm tăng 2,24% so với cùng kỳ năm 2022, đóng góp 0,05 điểm % vào mức tăng GRDP.

Trong bối cảnh ấy, khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm ước tính tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 7,9%; quý II tăng 7,19%), đóng góp 4,98 điểm % vào mức tăng GRDP, trong đó một số ngành tăng trưởng khá, đóng góp nhiều vào mức tăng trưởng GRDP 6 tháng như: Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 30,98%, đóng góp 0,96 điểm % vào mức tăng chung; bán buôn, bán lẻ tăng 9,08%, đóng góp 0,9 điểm %; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 9,03%.

Quý II/2023, khu vực dịch vụ tiếp tục là điểm sáng, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng chung của TP. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý II tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 6 tháng đầu năm tăng 10,4%.

Lượng khách du lịch đến Hà Nội trong quý II đạt 1,2 triệu lượt người, tăng 12,4% so với quý trước và gấp hơn 2 lần cùng kỳ. Tính chung 6 tháng qua, khách du lịch đến Hà Nội (do cơ sở lưu trú phục vụ) tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước.

Trong 6 tháng đầu năm, TP tập trung chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư, các đơn vị thi công tăng cường nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án trọng điểm. Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố đạt 194,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Thành phố thu hút 399,7 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, nâng tổng vốn thu hút trong 6 tháng lên 2,265 tỷ USD, cao hàng đầu cả nước.

Trong 6 tháng đầu năm, Hà Nội có 15,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 151,1 nghìn tỷ đồng, giảm 16%. Cơ quan chức năng cũng đã thực hiện thủ tục giải thể cho gần 1,8 nghìn doanh nghiệp, giảm 5%; hơn 15,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 36%.

Có 5,6 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, giảm 14% so với cùng kỳ 2022. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, bảo đảm chất lượng và đúng hạn.

Để thúc đẩy tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm, theo Cục Thống kê Hà Nội cần tiếp tục duy trì và thúc đẩy đà tăng các ngành dịch vụ, du lịch, tài chính ngân hàng, vận tải hàng hoá vốn là thế mạnh của TP. Đồng thời đẩy mạnh đầu tư công, thu hút các nguồn vốn đầu tư khác. Tiếp tục nâng cao hiệu quả của khu công nghiệp. Công nghiệp hiện nay cần phải có những nhà máy mới, tăng cường đầu tư hạ tầng, thu hút được các dự án lớn, nhà đầu tư lớn trong sản xuất kinh doanh; Thúc đẩy chuyển đổi số.

Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp… Ông Đậu Ngọc Hùng Cục trưởng Cục Thống kê TP Hà Nội cho hay, 65,6% doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II ở mức ổn định và tốt hơn so với quý I; 75,1% doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và tốt hơn trong quý III/2023.

Huyền My
Ý kiến của bạn
Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024 Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024

Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.